MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nơi làm việc tốt nhất trong suy nghĩ của người lao động

Mạnh Cường LDO | 08/03/2023 08:34

Có rất nhiều quan niệm khác nhau về nơi làm việc tốt nhất. Nhưng chung quy lại, hầu hết người lao động đều quan tâm đến chính sách lương thưởng, môi trường làm việc và đồng nghiệp.

Anphabe chính thức khởi động mùa thứ 10 Chương trình Khảo sát Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam với điểm nhấn là 2 bảng xếp hạng môi trường làm việc mới cho khối doanh nghiệp vừa và lớn tại Việt Nam.

Phương pháp đánh giá và đo lường của khảo sát được thực hiện dựa trên mô hình 5 bước hấp dẫn nhân lực từ: nhận biết, quan tâm, ứng tuyển, khát khao, và ưu tiên chọn.

Đồng thời, để đánh giá toàn diện hơn, Anphabe kết hợp khảo sát thêm nhóm nhân viên nội bộ tại các công ty (có nhu cầu) theo khung tiêu chí môi trường làm việc lý tưởng với 6 yếu tố lớn là: tưởng thưởng, cơ hội phát triển, văn hóa - môi trường, lãnh đạo và quản lý, chất lượng công việc – cuộc sống, và danh tiếng công ty.

Vậy những người lao động quan niệm thế nào về nơi làm việc tốt nhất?

Anh Nguyễn Quang Đảng (28 tuổi) - nhân viên sale tại quận Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ, một môi trường làm việc lý tưởng là khi mọi người trong công ty đều đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau hết mình. Không đố kỵ, ghen ghét, tìm cách dìm nhau vì lợi ích riêng.
Anh Nguyễn Quang Đảng cho rằng nơi làm việc lý tưởng là khi mọi người trong công ty đều đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau hết mình. Ảnh Nhân vật cung cấp.

Ngoài ra, anh Đảng muốn công ty cũng có những giải pháp thiết thực để nhân viên bán được sản phẩm dễ dàng. Trao quyền quyết định trong một số trường hợp, vạch rõ các cơ hội, lộ trình thăng tiến, có chính sách lương, hoa hồng thiết thực khi bán được hàng.

Bởi thị trường ô tô - lĩnh vực anh đang làm ngày càng cạnh tranh khốc liệt từ các showroom.

Đồng quan điểm, chị Nguyễn Thị Thu Hương (26 tuổi) - nhân viên Marketing tại quận Thanh Xuân, Hà Nội đánh giá công ty tốt, uy tín phải trả lương đúng theo năng lực của từng nhân viên.

Luôn có những chính sách khích lệ nhân viên cố gắng đạt được các mục tiêu đề ra. Chế độ đãi ngộ bắt buộc theo quy định của nhà nước phải thực hiện nghiêm túc và thưởng phải rõ ràng, phù hợp.

"Tôi mong muốn được làm việc trong môi trường tự do sáng tạo, được học hỏi nhiều cái mới. Đồng thời, bản thân được phép sai và sửa sai trong khuôn khổ cho phép. Đồng nghiệp luôn giúp đỡ nhau, hòa đồng, không ngại chia sẻ các khó khăn cùng nhau và không có "drama"" - chị Hương nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, chị Hương hy vọng công ty có những hoạt động thiết thực để tạo sự đoàn kết, gần gũi giữa các nhân viên, khích lệ sự cố gắng.

Điển hình như các hoạt động team building, buổi chia sẻ trực tiếp giữa giám đốc với các nhân viên chứ không phải với các trưởng phòng rồi trưởng phòng về truyền đạt lại.

Chị Bảo Quyên (34 tuổi) - nhân viên content marketing tại quận Cầu Giấy, Hà Nội mong muốn nơi mình làm việc có một người sếp tâm lý.

Chị Quyên cho rằng nơi làm việc tốt nhất là có những người quản lý tâm lý, hỗ trợ nhân viên tận tình trong công việc. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Không đổ lỗi, gây khó dễ cho nhân viên, không áp đặt quá cao các chỉ tiêu trong công việc. Quản lý cần hỗ trợ nhân viên tận tình để hoàn thành tốt công việc, không thiên vị bất kỳ ai.

Nhân viên tại các phòng ban tôn trọng công việc của nhau, sẵn sàng giúp đỡ khi người khác cần. Nơi làm việc lý tưởng trong suy nghĩ của chị Quyên cần có những định hướng và lộ trình rõ ràng cho từng nhân viên.

Đánh giá năng lực làm việc của nhân viên một cách khách quan, trung thực và toàn diện chứ không chỉ nhìn vào mỗi kết quả.

"Hãy theo dõi nhân viên trong một thời gian nhất định, ở nhiều thời điểm khác nhau. Sẵn sàng hỗ trợ bằng những buổi đào tạo thiết thực để nhân viên nâng cao năng lực chuyên môn. Có như thế, nhân viên mới gắn bó và tin tưởng lâu dài, công ty mới phát triển vững mạnh" - chị Quyên cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn