MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ở các trường Phổ thông nội trú dân tộc, thầy, cô giáo vừa là quản sinh nên hiếm xảy ra mâu thuẫn giữa học sinh và quản sinh như các trường miền xuôi.

Nỗi lo con bán, nội trú: Quản sinh là nhân viên thời vụ, không "mô phạm"

Trung Hiếu LDO | 04/09/2020 13:50
Nhiều năm qua, mô hình nội trú, bán trú tại các trường từ cấp mầm non đến trung học cơ sở phát triển mạnh, kéo theo nhu cầu tuyển dụng quản sinh ngày càng lớn. Từ đây nảy sinh nhiều mâu thuẫn khó giải quyết.

Trường học có nội trú, bán trú góp phần giải quyết việc quản trẻ, dạy trẻ trong khoảng thời gian nghỉ học tại trường của nhiều gia đình bận rộn với công việc suốt ngày. Tuy vậy theo đó hiện tượng quản sinh thiếu nghiệp vụ sư phạm đang kéo theo nhiều hệ lụy.

Mới đây gia đình một bác sĩ ở Đà Nẵng đã phẫn nộ, muốn làm to chuyện, khi quản sinh một trường tiểu học dẫm nát cái kính cận của con họ. Theo gia đình này, vị quản sinh kia từ lâu cố tình “dìm” bé; hay la hét, nạt nộ… khi các cháu nói chuyện trong khi ngủ hay làm rơi vãi cơm…

Câu chuyện này không hiếm ở hầu hết các địa phương và dễ dàng tìm thấy trên các mạng xã hội, báo chí. Ví dụ tại một trường phía Bắc, quản sinh mạt sát học sinh đến độ sau giờ học, nhiều cháu về than với cha mẹ, đó là khoảng thời gian “cực hình” khi cô quản sinh bắt đầu tiếp quản lớp.

Bác sĩ Ng, ở Đà Nẵng, sau sự việc giữa quản sinh với con mình đã đến tận trường để phản ảnh với hiệu trưởng. Nhưng lo lắng sau cuộc làm việc này, cháu sẽ bị đối xử bất bình đẳng với các bạn cùng lớp, nên đã cho cháu chuyển trường.

Bà cho rằng, các quản sinh hầu như không có thái độ mô phạm, khi tiếp xúc với trẻ con, đặc biệt trong môi trường giáo dục, thái độ thiếu sư phạm của quản sinh sẽ mang đến những tổn thương tinh thần cho các cháu ở độ tuổi bắt đầu có nhận thức.

Ở một khía cạnh khác, hiệu trưởng một trường tiểu học Đà Nẵng cho rằng, trong môi trường giáo dục, gặp học sinh trong giai đoạn biến chuyển tâm lý, rồi hội chứng con cưng… Bất kể chuyện gì thì gia đình cũng đổ lỗi cho nhà trường, cho thầy cô, hoặc quản sinh. Trong những tình huống như mâu thuẫn với học trò, người dạy vừa đáng thương vừa đáng trách.

Trao đổi về vấn đề quản sinh trong môi trường giáo dục hiện nay, cô giáo Trương Thị Nhã Trúc, Hiệu trưởng Trường Tiêu học Phù Đổng (Đà Nẵng) bộc bạch, đây là một trong những vấn đề đau đầu hiện nay của các trường học có bán trú hoặc nội trú.

Cô nói: “Đội ngũ quản sinh của trường biến động liên tục. Nguyên nhân chính là toàn bộ nhóm nhân viên này đều là hợp đồng thời vụ, lương chỉ từ 1,5 triệu đến 2 triệu đồng/ tháng, nên khó đòi hỏi tiêu chuẩn cao; hơn hết họ chưa qua đào tạo giáo dục ngày nào, nên lối cư xử với học sinh cũng không được mô phạm”.

Nhu cầu gửi con cả ngày để cha mẹ có thời gian làm việc tại cơ quan là có thực và cao; trong khi trình độ quản sinh nội trú thì lại không đáp ứng… là mâu thuẫn khó giải quyết nổi. Đó cũng là thực trạng chung hiện nay trong môi trường nội trú của các trường cấp tiểu học, trung học cơ sở trong cả nước và chưa có giải pháp tích cực.

Hiệu trưởng một trường tiểu học Đà Nẵng cho biết, để giải quyết mâu thuẫn trên, hiện nay các trường yêu cầu giáo viên chủ nhiệm phải có mặt trong thời gian quản sinh phục vụ cho học sinh. Tuy vậy đôi lúc giáo viên chủ nhiệm có việc ra ngoài, thì sự cố thường xảy ra trong thời điểm này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn