MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dịp Tết, chị T mong muốn được nghỉ ngơi, thư giãn sau một năm làm việc vất vả. Ảnh: Anh Thư.

Nỗi lo tốn cả chục triệu chỉ để thuê xe về quê dịp Tết

ANH THƯ LDO | 06/01/2023 10:43
Những vợ chồng trẻ sinh sống và làm việc ở các thành phố lớn tiêu tốn cá nhiều tiền vào việc thuê xe về quê dịp Tết Nguyên đán.

Sau khi kết hôn, chị Cao Huyền Trang (SN 1994, ở Hà Tĩnh) mới thấy sợ Tết hơn bao giờ hết. Lấy chồng ở Hà Nam, nhưng hai vợ chồng chị lại làm việc và sinh sống tại Hà Nội.

Trong một năm, chỉ các ngày lễ, Tết vợ chồng chị Trang mới về quê thăm gia đình, họ hàng. Song, mỗi lần di chuyển, đi lại với quãng đường xa hàng trăm cây số khiến chị Trang nhụt chí.

Vợ chồng chị Trang vượt chặng đường xa để trở về quê. Ảnh: Cao Trang.

Ban đầu, vợ chồng chị xác định mỗi năm ăn Tết một nơi. Song, dịp này ai cũng muốn sum vầy bên gia đình, nên vợ chồng chị Trang phải "chạy sô" hai nơi trong vài ngày lễ, Tết.

Năm nay, nghỉ Tết Nguyên đán được 1 tuần, chị xác định về quê ngoại ở Hà Tĩnh trước. Sau đó, mùng 2 Âm lịch cả nhà lại "rồng rắn" trở ra Hà Nam.

Chị Trang chia sẻ: "Vì đi xe khách về nhà tôi không tiện chuyến, nên vợ chồng tôi phải thuê xe riêng. Mỗi lượt thuê xe từ Hà Nội về Hà Tĩnh đã hết 5 triệu đồng. Nguyên số tiền chi cho di chuyển cũng tiêu tốn kha khá".

Chưa kể, ở quê, mọi người rất trọng quà cáp. Họ cho rằng người ở Hà Nội về thì phải có quà sang trọng hơn. Ngoài ra, nếu mừng tuổi các cháu nhỏ từ 10.000-20.000 đồng sẽ bị "phê bình".

Vợ chồng chị Trang làm công việc văn phòng, chị còn đang ở nhà chăm con nhỏ, tiền mua chung cư chưa trả hết... Với đồng lương eo hẹp, vợ chồng chị Trang chật vật gánh các khoản chi tiêu Tết.

Điều chị Trang cũng thấy khó chịu khi mọi người hỏi quá nhiều về thưởng Tết bao nhiêu hay con rể tặng quà gì cho bố mẹ. Chỉ cần nghĩ đến đó thôi, chị Trang đã muốn "đầu hàng" trước Tết Nguyên đán.

Ngày Tết là để mọi người trong gia đình quây quần, tâm sự sau 1 năm làm việc vất vả. Nhưng tại địa phương chị Trang sinh sống, ai đến chúc Tết cũng phải mang cỗ, mang rượu ra tiếp. "Nhiều khi, họ chỉ ăn 1,2 miếng thôi cũng không nhiều nhặn gì. Song hệ quả là phụ nữ chúng tôi phải quần quật nấu nướng và dọn dẹp suốt ngày. Chúng tôi không có thời gian để đi đâu" - chị Trang buồn bã nói.

Chị N.T.H.T (ở Hoài Đức, Hà Nội) cũng lắc đầu trước câu hỏi có thích Tết hay không?. Quê chồng ở tỉnh Gia Lai, mỗi lần về dịp Tết Nguyên đán là hành trình chị không thể nào quên.

Trước đó, chị phải hì hục đặt vé máy bay. Dịp này, việc di chuyển quãng đường xa trở nên vô cùng vất vả. "Nhớ cách đây vài năm lúc đó cháu nhà tôi còn nhỏ, cả nhà dắt díu nhau ra sân bay. Con nhỏ phải mang theo đủ thứ đồ đạc lỉnh kỉnh như bỉm, sữa, quần áo, đồ dùng..." - chị T chia sẻ.

Nhớ năm 2019, chuyến bay gia đình chị T bị trễ 3 tiếng đồng hồ. Cả nhà méo mặt chờ đợi, con bé lăn lê, ngủ gật vô cùng vất vả.

Hơn nữa, gia đình 3 người cũng khốn kha khá tiền vé máy bay. Với đồng lương nhân viên kế toán của một công ty tư nhân, dịp Tết đã "đốt" kha khá vào thu nhập của gia đình.

Chị T chia sẻ: "Ngoài tiêu tốn tiền vé máy bay, chúng tôi cũng phải mua quà cáp về cho mọi người vì lâu mới trở về. Vì thế, nguyên tiền thưởng Tết của tôi cũng đi tong".

Những ngày này, chị T mới thấm đòn vất vả khi lấy chồng xa. Chị mong rằng ngày Tết là dịp mọi người đoàn tụ, vui vẻ, nghỉ ngơi sau một năm làm việc vất vả. Tất cả mọi lễ, nghi dịp Tết cũng nên đơn giản hoá. Chỉ cần mọi người trong gia đình được quây quần, gửi những lời tốt lành cho nhau là đủ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn