MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hưng chia sẻ những kỷ niệm vui buồn tại bệnh viện. Ảnh: TV

Nỗi nhọc nhằn của những chiến sĩ “áo trắng”

VƯƠNG TRẦN LDO | 01/07/2017 18:07
Có những con người đang ngày đêm thầm lặng chăm sóc và điều trị cho những bệnh nhân nghiện ma túy và nhiễm HIV. Môi trường làm việc của họ với bệnh nghề cực kỳ nguy hiểm, bởi chỉ một phút sơ suất là đã có thể bị phơi nhiễm HIV, mắc các bệnh khác như lao, nấm y học… Những người thầy thuốc tại Bệnh viện 09 - bệnh viện (BV) điều trị bệnh nhân nghiện ma túy và HIV như những chiến sĩ trên chiến trường thầm lặng.

Chăm bệnh nhân có “H” - nghề đặc biệt nguy hiểm

Ở BV 09, nơi điều trị cho những bệnh nhân HIV/AIDS, hầu hết là bệnh nhân giai đoạn cuối. Nơi đây môi trường đầy phức tạp, bệnh nhân chủ yếu từ các trại cai nghiện chuyển về, mối nguy lây nhiễm cũng như tính mạng những người thầy thuốc có thể bị đe dọa bất cứ lúc nào.

Những bệnh nhân tới đây thường gắn với 3 tình trạng là gắn với ma túy, gắn với mại dâm và số rất nhỏ bị lây nhiễm do vô tình. Nhiều bệnh nhân điều trị tại đây còn giấu thân phận vì sợ bị kỳ thị, có những người còn khai địa chỉ giả, số điện thoại giả… cho đến khi “nhắm mắt, xuôi tay” các y-bác sĩ cũng phải rất vất vả để tìm kiếm lại người nhà bệnh nhân. Những bệnh nhân này tâm lý bị đảo ngược, rối loạn tâm thần và bị lệch chuẩn hành vi. Do vậy, không ít bệnh nhân có hành vi bạo lực và gây nguy hiểm cho những người khác.

ThS-BS Nguyễn Ngọc Hưng - Trưởng khoa Nội - cho biết, làm việc trong môi trường này là môi trường bệnh nghề đặc biệt nguy hiểm. Chỉ một phút sơ suất, người thầy thuốc có thể bị phơi nhiễm HIV như những bệnh nhân này. Mặt khác, các bệnh nhân ở đây bị suy giảm miễn dịch nên có thể bị nhiễm bất kỳ loại vi khuẩn, vi rút hay một loại bệnh nào khác. Do vậy, bệnh nhân rất hay bị mắc các chứng bệnh nhiễm trùng cơ hội và rất dễ lây lan cho cán bộ, y-bác sĩ của bệnh viện. Có 2 loại lây truyền nguy hiểm hay gặp nhất là lây truyền qua đường hô hấp và nấm y học. Tỉ lệ bệnh nhân ở đây bị nhiễm lao là gần 70%.

Bác sĩ ban ngày khám bệnh, tối về chở gạch, bán quần áo thuê

Cũng tại Bệnh viện 09, không ít câu chuyện cười ra nước mắt được các bác sĩ kể lại. Có những bệnh nhân tâm thần hay ở thể kích động. Có bệnh nhân trong quá trình khám bệnh cầm dao đuổi đâm bác sĩ. Có bệnh nhân tên H vào viện cách đây vài năm, thời gian đầu rất gầy gò, ốm yếu không tuân theo bất kỳ phác đồ điều trị nào của bác sĩ. Có lần tiêm thuốc bệnh nhân còn giật cả xi-lanh rồi cầm đi dọa bác sĩ, thi thoảng lại phụt lên tường chỗ này một chút, chỗ kia một chút… Các bác sĩ tại đây không chỉ là người khám bệnh mà còn là những người bạn phải thường xuyên tâm sự, những nhà tâm lý đối với họ. Qua quá trình điều trị, qua sự ân cần tận tụy chăm sóc của các bác sĩ nên các bệnh nhân dần “nghe lời” hơn.

Qua trò chuyện với các y-bác sĩ tại Bệnh viện 09, được biết tại đây đã từng có những câu chuyện khá đau lòng. Một trưởng khoa đã từng phải bỏ việc vì bị nhiễm lao. Rồi có cô gái làm điều dưỡng từng phải chia tay người yêu sau 6-7 năm yêu nhau khi gia đình họ biết cô làm việc tại đây. Sau này điều dưỡng này cũng bị nhiễm lao và bỏ việc luôn. Chính môi trường nghề nghiệp độc hại như vậy đã khiến không ít người đã phải bỏ viện ra đi, những người ở lại phải thực sự đấu tranh với chính bản thân mình cùng lòng yêu nghề vô cùng lớn.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hưng cho hay: Ngoài nguồn ngân sách, bệnh viện không có bất kỳ một khoản thu nào khác nên đời sống cán bộ công nhân viên cũng rất khó khăn. Trên 50% số nhân viên của bệnh viện còn phải đi thuê nhà trọ. Có những nhân viên, điều dưỡng sáng chăm sóc bệnh nhân, chiều về chở gạch, bán trứng vịt lộn, bán quần áo thuê. Gần 100 bệnh nhân đang điều trị tại BV 09, là những cuộc đời khác nhau nhưng cùng chung cảnh ngộ, mỗi con người trong số đó là một câu chuyện buồn đầy nước mắt. Nhưng tập thể y-bác sĩ nơi đây đã giúp bệnh nhân có những ngày đáng sống, bằng trách nhiệm, tình người và tấm lòng bao dung, nhân ái.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn