MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khách du lịch không khỏi ái ngại khi gặp cảnh "chặt chém" trong những chuyến du xuân đầu năm. Ảnh minh họa: Nguyễn Duy.

Nơm nớp lo bị “chặt chém” khi du xuân đầu năm

LƯƠNG HẠNH LDO | 05/02/2023 10:31

Những ngày đầu năm, nhu cầu đi du xuân của người dân tăng cao. Họ lo lắng sẽ bị “chặt chém” khi sử dụng những loại dịch vụ dịp này.

Tết Nguyên đán 2021, chị Hoàng Khánh Phương (Hà Giang) cùng gia đình đi du lịch tại thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai).

Nhớ lại trưa ngày mùng 5 Tết Âm lịch năm ngoái, chị vào một nhà hàng tại trung tâm thị xã với chi chít các biển quảng cáo: "Không ngon không lấy tiền". Tại đây, chị Phương gọi một nồi lẩu gà, gồm 1 con gà nhúng lẩu, 1 đĩa rau su su xào, 1 đĩa ngô chiên và 2 lon nước ngọt. Sau khi ăn xong, tổng số tiền chị phải thanh toán là 1,9 triệu đồng. 

"Tôi giật mình khi cầm tờ hóa đơn trên tay. Bởi, món ăn không quá đặt sắc, chỉ ăn vừa miệng. Số đồ ăn không quá nhiều, gia đình tôi đi 4 người ăn vừa đủ. Nhưng tôi không nghĩ giá của bữa ăn lại "chát" đến thế", chị Phương cho hay. 

Tết năm nay, để tránh cảnh bị "chặt chém", trước khi đi du xuân tại chùa Yên Tử (Quảng Ninh), chị Phương hỏi kĩ bạn bè các thông tin như: Quán ăn, nhà nghỉ, giá vé...

Năm nay, chị Phương cùng gia đình du xuân tại chùa Yên Tử (Quảng Ninh). Ảnh: Khánh Phương.

Chị Phương bộc bạch: "Là người dân ở nơi khác đến tham quan, du lịch nên tôi rất khó nắm được đúng giá các dịch vụ. Do vậy, tôi phải hỏi bạn bè, người thân - những người đã có trải nghiệm trước đó để tránh mất tiền oan như năm ngoái". 

Trở về sau chuyến du Xuân ở huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, chị Nguyễn Thị Mến bày tỏ bức xúc, khó chịu như bị “móc túi” bởi khoản thanh toán cho bữa ăn. Gia đình chị gọi 4 bát miến lươn thêm ít quẩy, 2 lon Coca Cola mà chủ quán "hét giá" đến 350.000 đồng. 

Nhận hóa đơn, chị Mến không khỏi bực bội vì không nghĩ bữa ăn bình dân lại có giá cao đến thế. Tuy vậy, nữ du khách vẫn nhịn bực tức, không tranh cãi với chủ quán, "ngậm đắng nuốt cay" trả tiền. Chị bày tỏ mong muốn giữ không khí vui vẻ đầu năm cho chính chủ quán và cả gia đình mình. 

Theo chị Mến, mức giá trên là quá đắt, bởi tính ra, giá của một bán miến lươn lên đến 70.000 đồng. Lươn có trong miến cũng chỉ là loại lươn khô, nước dùng chan miến không quá đặc biệt.

Không riêng chị Mến, những ngày qua, nhiều gia đình sau khi đi du Xuân, trẩy hội ở một số địa phương về cũng phản ánh tình trạng một số tài xế taxi "hét giá" dịch vụ lên cao. Anh Hoàng Văn Thái cùng gia đình du xuân tại Đền Hùng (Phú Thọ) cũng rơi vào cảnh này.

Để có thể di chuyển đến một quán ăn mà gia đình đã đặt từ trước, anh Thái gọi một chiếc taxi đang đỗ gần khu Di tích lịch sử này. Không hỏi giá trước khi lên xe, sau khi đến nhà hàng cách đó 7km, anh Thái trả số tiền 200.000 đồng; gấp 2 lần giá taxi đáng ra anh phải thanh toán. 

Bà Hoàng Thị Lan Hương - Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Du lịch Vầng Trăng Việt. Ảnh: Lương Hạnh. 

Bà Hoàng Thị Lan Hương - Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Du lịch Vầng Trăng Việt cho biết những hành vi "chặt chém", móc túi khách hàng chỉ xảy ra ở một bộ phận người làm dịch vụ, du lịch.

"Tôi thường cùng gia đình đi dạo ở Hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) và cũng bắt gặp cảnh một số người làm dịch vụ chèo kéo khách, nhằm ép khách du lịch mua, bán, sử dụng dịch vụ với giá cao. Những hành vi này đã làm xấu đi hình ảnh du lịch Việt Nam trong mắt người dân trong nước và bạn bè Quốc tế.

Theo tôi, trong người làm ngành du lịch, được đào tạo bài bản về kiến thức, kinh nghiệm đặc biệt là đạo đức làm nghề thì tình trạng chặt chém khách du lịch chắc chắn sẽ không còn xảy ra", bà Hương nhận định. 

Bạn đọc có thể bày tỏ quan điểm về vấn đề này bằng cách gửi email về Báo Lao Động: toasoan@laodong.com.vn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn