MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tòa chung cư mini nằm sâu trong hẻm 29/70 Khương Hạ (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) vừa xảy ra cháy lớn làm nhiều người chết. Ảnh: Hải Nguyễn.

Nơm nớp lo sợ sống trong chung cư mini, tập thể cũ

LƯƠNG HẠNH - THU THUỶ LDO | 14/09/2023 12:24

Hiểm họa đến từ những "chuồng cọp” quây kín nhà tại một số khu chung cư mini, tập thể cũ trên địa bàn thủ đô là dễ nhận thấy. Song, ngay cả khi nhìn thấy nguy cơ cháy nổ, hoả hoạn ngay trước mắt, nhiều người vẫn chấp nhận chọn làm nơi trú ngụ.

Bất an thuê trọ

Ghi nhận của phóng viên Báo Lao Động, nhiều khu phố trên địa bàn TP Hà Nội, nhất là các khu vực tập trung nhiều trường đại học lớn, đông dân cư như quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm... chung cư mini "mọc" lên như nấm.

Đan xen các khu chung cư mini là các khu tập thể cũ nằm san sát nhau trong các con phố, ngõ nhỏ ngoằn ngoèo. Ngõ vào hẹp, lối ra - vào duy nhất chỉ vừa 1-2 xe máy.

Từ nhiều năm nay, người dân lắp đặt lồng sắt hay còn gọi là "chuồng cọp" nhằm bảo vệ an ninh không còn xa lạ. Khu vực này được nhiều người tận dụng làm ban công, kho chất chứa đồ đạc, nơi phơi quần áo, dụng cụ nhà cửa...

Khu tập thể cũ chằng chịt dây điện. Ảnh: Lương Hạnh.

Hệ thống dây điện mắc nối, xếp chồng lên nhau chạy dài và rất sát với khu "chuồng cọp" của mỗi hộ, tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn, cháy nổ do chập điện.

Thế nhưng, ngay cả khi nhìn nhận được hiểm hoạ, nguy cơ trước mắt, nhiều người dân vẫn chọn tập thể cũ, chung cư mini làm nơi trú ngụ khi học tập, làm việc và sinh sống tại Thủ đô.

Khoảng 23h ngày 12.9, một đám cháy xảy ra tại chung cư mini cao 9 tầng ở phố Khương Hạ (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Vụ cháy xảy ra ban đêm nên có nhiều người nạn nhân.

Chung cư bị cháy được xây kiểu nhà ống với một mặt tiền, 3 mặt giáp nhà dân, được chia thành gần 50 căn hộ cho thuê, chủ yếu là các hộ gia đình và sinh viên với khoảng 150 người sinh sống.

Do hiện trường nằm trong ngõ sâu, nên công tác cứu hỏa gặp rất nhiều khó khăn. Xe chữa cháy chỉ có thể đỗ cách hiện trường 300 - 400 m, lực lượng chức năng phải dẫn vòi rồng vào ngõ sâu để dập lửa.

Lối vào chung cư mini chỉ vừa 2 người đi xe máy tại ngõ Định Công Thượng 1, Hoàng Mai, TP. Hà Nội. Ảnh: Thu Thuỷ.

Theo dõi liên tục vụ cháy nổ này, chị Hoàng Thị Ngọc (SN 2002) - sinh viên năm cuối Trường Đại học Thương mại tỏ ra hoang mang, thấp thỏm khi bản thân cũng đang thuê phòng trong một con ngõ gần trường.

Chị Ngọc cho biết, chị thuê trọ ở đây là vì giá thuê không quá cao, tiện lợi cho việc đi lại. Hiện tại, chỗ ở đã có các thiết bị phòng cháy chữa cháy như bình chữa cháy, thang dây, đầu báo cháy. Tuy nhiên, chị Ngọc vẫn bày tỏ sự lo lắng khi lỡ có chuyện không may xảy ra.

“Nghe tin, tôi vô cùng đau xót, tiếc thương với các nạn nhân và gia đình. Hầu hết toàn các bạn trẻ, còn nhiều hoài bão chưa kịp thực hiện. Hiện tôi vô cùng bất an khi bất cứ lúc nào đều có nguy cơ xảy ra cháy nổ”, chị Ngọc trăn trở.

Kiến nghị trang bị thiết bị phóng cháy, chữa cháy

Anh Trần Công Nghĩa hiện đang thuê trọ trong ngõ 1194 đường Láng, quận Đống Đa (Hà Nội) cũng hoang mang khi biết thông tin vụ việc.

Anh Nghĩa đang ở tầng 7 trong một căn nhà 8 tầng, chỉ có 2 bình chữa cháy. Ngoài ra, toà nhà này không có bất cứ trang thiết bị phòng cháy chữa cháy nào khác. Không chị riêng anh Nghĩa mà hầu hết người thuê nhà ở đây đều cùng chung tâm lý sợ hãi, lo lắng cho sự an nguy tính mạng.

Ngay cả khi biết khu nhà trọ tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ, anh Nghĩa vẫn chấp nhận thuê trọ vì không còn lựa chọn nào khác. Ảnh: Thu Thuỷ.

“Nhất là sau vụ cháy thương tâm mới đây, tôi càng thấp thỏm, bất an nếu bản thân rơi vào tình huống xấu đó. Hiện mọi người trong nhà đang có kiến nghị với chủ trọ trang bị thêm vật dụng phòng cháy chữa cháy gấp”, anh Nghĩa cho biết.

Ông Huệ cũng cho rằng, các toà nhà chung cư mini, tập thể cũ chưa chú trọng việc phòng cháy, chữa cháy. Ảnh: Thu Thuỷ.

Hơn 4 năm làm bảo vệ ở chung cư mini ngõ 57 Chùa Láng, quận Đống Đa, ông Nguyễn Văn Huệ (SN 1966, ở Hải Dương) cho biết tòa nhà nơi ông làm việc trang bị đầy đủ bình chữa cháy, thang dây để phòng trường hợp xảy ra cháy nổ.

“Trong khoảng thời gian làm việc, sinh hoạt ở đây, tôi chưa chứng kiến trường hợp cháy nổ nào. Tuy nhiên, sau vụ cháy ở quận Thanh Xuân, tôi nghĩ mỗi người cần cảnh giác, cẩn thận hơn để bảo vệ bản thân và những người xung quanh”, ông Huệ bày tỏ.

Ngày 13.9, Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ tiếp tục phát đi các khuyến cáo về các biện pháp phòng cháy chữa cháy và thoát nạn đối với các công trình cao tầng. Theo đó, nếu phải băng qua lửa, khói, khí độc, người dân có thể dùng khăn, áo, khăn ướt trùm lên đầu, mặt, cúi khom, men theo tường nhà, lối thoát hiểm... để thoát nạn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn