MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Tích (ngoài cùng bên phải) tham gia hoạt động hội dân vũ tại địa phương. Ảnh: Lê Hoa.

Nông dân có cơ hội nhận lương hưu

LÊ HOA LDO | 03/03/2024 19:36

Hiện nay, nhiều nông dân ở các làng, xã đã tham gia BHXH tự nguyện để hưởng lương hưu, có tuổi tuổi già thảnh thơi, an nhàn, không phụ thuộc vào con cháu.

Năm nay gần 70 tuổi, thu nhập của ông Lê Văn Sửu ở xã Hoàng Lâu (huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc) vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào mấy sào ruộng. Quanh năm lam lũ cũng chỉ trông cậy vào hạt thóc, củ khoai để trang trải chi tiêu cuộc sống hàng ngày.

Ông Sửu chia sẻ: “Tuổi già mà không có lương thì cực lắm. Như vợ chồng tôi, tuổi đã cao, giờ sức khỏe lại yếu, có chịu khó chăn nuôi, trồng trọt thì thu nhập cũng chẳng được bao nhiêu; trong khi đó ở quê nhiều thứ phải chi tiêu..."

Để có thêm tiền trang trải cuộc sống, ông Sửu phải nhận chạy thêm xe thồ, ai thuê gì chở này. Các con đều đã có gia đình riêng, kinh tế cũng không khá giả nên ông cũng không thể nhờ cậy các con.

Cùng ở xã Châu Minh nhưng bà Ngô Thị Tích, 57 tuổi lại có cuộc sống an nhàn hơn vợ chồng ông Sửu nhờ có khoản tiền tử tuất của chồng và con trai.

Bà Tích kể: “Tôi không có lương hưu nhưng hàng tháng tôi được nhận 1,8 triệu đồng tiền trợ cấp. Số tiền này tuy không nhiều nhưng cũng đủ để tôi trang trải cuộc sống cho bản thân".

Ngoài ra, còn hơn vài sào ruộng, bà Tích để cho người dân trong làng cấy và nhận lại thóc để ăn. Thời gian rảnh, bà tham gia các hoạt động của hội phụ nữ địa phương, tự tạo niềm vui tuổi già.

Còn bà Nguyễn Thị Nhung ở Tổ dân phố Lý Viên (thị trấn Bắc Lý, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang) bày tỏ: “Trước đây tôi nghĩ phải là cán bộ, người làm trong các cơ quan nhà nước mới được nhận lương hưu nên khi biết đến chính sách BHXH tự nguyện mở rộng, mọi người dân đều có thể tham gia tôi rất vui".

Theo bà Nhung, ở khu bà sinh sống, rất ít người được nhận lương hưu, trừ những người là cán bộ, giáo viên về hưu. Hai vợ chồng bà cũng cố gắng đóng 10 - 15 năm, sau đó đóng một lần để được hưởng lương hưu. Nếu có lương hưu bà sẽ chủ động hơn trong một số chi tiêu, sau này không phải xin tiền con cái.

Hiện nay, bà Nhung đang tham gia mức đóng 517.000 đồng/tháng; với mức đóng này, khi đủ điều kiện nhận lương hưu, bà sẽ được lĩnh 2.028.125 đồng/tháng.

Tuy nhiên, đây không phải là mức hưởng lương hưu cố định của bà Nhung mà sẽ được điều chỉnh tùy theo chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế để bảo đảm cuộc sống.

Nhận thấy tính ưu việt của BHXH tự nguyện nên bà Nhung ủng hộ chồng cũng đóng BHXH tự nguyện. Hiện chồng bà đang tham gia mức đóng 297.000 đồng/tháng. Tính ra mỗi tháng vợ chồng bà Nhung dành hơn 800.000 đồng để tham gia BHXH tự nguyện.

"Bây giờ còn sức khỏe thì tích lũy vào đó, đến khi về già sẽ đỡ để các con lo lắng. Ngoài ra, đến khi được nhận lương hưu vợ chồng tôi sẽ được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí, yên tâm hơn nếu không may bị ốm đau, bệnh tật" - bà Nhung giãi bày.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, theo quy định tại Điều 73 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 được sửa đổi bởi Điểm c Khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động 2019 thì điều kiện hưởng lương hưu như sau:

1. Người lao động hưởng lương hưu khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động;

b) Đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên.

2. Người lao động đã đủ điều kiện về tuổi theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm thì được đóng cho đến khi đủ 20 năm để hưởng lương hưu.

Theo đó, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng chế độ hưu trí khi:

Đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên;

Năm 2023, lao động nam từ đủ 60 tuổi 9 tháng, lao động nữ là từ đủ 56 tuổi.

Cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn