MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nữ giáo viên trẻ mầm non: Lương thấp, áp lực và những đắn đo với nghề

NGUYỄN DUY LDO | 24/03/2023 08:25

Cường độ làm việc lớn và yêu cầu cao nhưng mức lương thưởng không tương xứng khiến nhiều giáo viên mầm non mới ra trường đắn đo suy nghĩ việc quyết định gắn bó với nghề. 

Một nghề kiêm nhiều nghề

Nữ giáo viên trẻ Nguyễn Thị Ngọc Thanh (Hà Nội) đã vào nghề được khoảng 6 tháng kể từ khi ra trường.

“Giáo viên mầm non thực sự vất vả” là những gì mà Ngọc Thanh chia sẻ đầu tiên khi được hỏi về quá trình làm nghề.

“Người ngoài ngành thường nói chúng tôi không phải làm gì nhiều, chỉ là chơi đùa với trẻ. Thực chất giáo viên mầm non kiêm rất nhiều nghề, vừa làm thầy giáo, vừa làm bảo mẫu, vừa là bác sĩ, ca sĩ, họa sĩ, vũ công…” - Ngọc Thanh nói.

Làm một giáo viên của cơ sở giáo dục mầm non tư thục, mức lương cơ bản của Ngọc Thanh cao hơn so với các trường công lập.

Theo đó, yêu cầu về mặt chuyên môn lẫn kinh nghiệm cũng cao hơn, đặc biệt là yêu cầu về trình độ ngoại ngữ. 

Tình yêu con trẻ, với nghề giáo đã giúp các nữ giáo viên trẻ vượt qua nhiều khó khăn, áp lực. Ảnh: Nguyễn Duy

Theo nữ giáo viên, phụ huynh ngày nay có xu hướng mong muốn con được tiếp cận với ngoại ngữ từ sớm. Các hoạt động thể chất, vui chơi, giải trí,... ngoại ngữ luôn được lồng ghép vào giáo án giảng dạy. 

“Với mức lương chỉ từ 6-7 triệu đồng, lượng công việc với một giáo viên mầm non thực sự quá tải.

Mỗi ngày tôi bắt đầu làm việc từ 7h sáng, chuẩn bị dọn dẹp để đón các em, làm việc liên tục đến tận 17h30 mới tan ca. Nhiều hôm còn không có thời gian nghỉ trưa do các em quấy khóc" - nữ giáo viên cho hay.

Đã từng muốn từ bỏ

Lưu Bích Vân (Hà Nội) hiện đang là giáo viên thực tập ở một trường mầm non công lập. Bước chân vào làm quen với nghề, nữ sinh viên gặp không ít khó khăn.

“Làm giáo viên mầm non áp lực nhất là cách giao tiếp, giáo dục trẻ. Ở lứa tuổi này, các em chưa ý thức và kiểm soát được hành vi cũng như cảm xúc của mình. Mỗi bé lại có một tính cách và nếp sinh hoạt riêng nên rất khó để có thể dung hòa trong một tập thể.” - Bích Vân tâm sự.

Mỗi lớp thường dao động từ 20-30 trẻ, trong khi đó chỉ có 2-3 giáo viên đứng lớp. Công việc của mỗi ngày của các giáo viên nhiều vô kể.

Cũng giống nhiều đồng nghiệp khác, nữ giáo viên này cũng phải làm đủ các công việc như: Dọn dẹp lớp đầu ngày, đón trẻ, chuẩn bị ăn sáng, sắp xếp đồ chơi, dụng cụ học tập, tập thể dục, ăn trưa, ngủ trưa, vệ sinh cá nhân.. 

Thực tập ở trường công lập, Bích Vân không nhận được bất kỳ một khoản trợ cấp nào. Áp lực tài chính cũng ảnh hưởng phần nào đến tinh thần của nữ giáo viên.

Bích Vân đã từng có suy nghĩ muốn bỏ nghề. Ảnh: Nguyễn Duy.

Không chỉ vậy, thời gian gần đây khi xuất hiện nhiều những vụ bạo hành trẻ em ở trường mầm non, cái nhìn của phụ huynh về nghề giáo có phần khắt khe hơn.

Việc thỉnh thoảng học sinh tranh giành đồ chơi, vấp ngã hay ốm vặt khiến phụ huynh trở nên nhạy cảm. Thậm chí, nhiều người không thông cảm, họ sử dụng lời nói, hành động, cử chỉ không đúng mực với giáo viên.

“Với những áp lực kinh khủng của công việc, nhiều khi tôi cũng đã từng có suy nghĩ chuyển hướng sang một công việc nhẹ nhàng hơn. Nhưng rồi mỗi ngày khi đón các em từ tay của cha mẹ, nhìn những khuôn mặt ngây thơ, hồn nhiên ấy tôi lại quyết định tiếp tục gắn bó" - Bích Vân tâm sự. 

Những giáo viên mầm non như Bích Vân thực sự phải có tình yêu lớn lắm với nghề và những đứa trẻ mới vượt qua muôn vàn khó khăn để tiếp tục gắn bó.

Năm 2022, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn chia sẻ, để tình trạng giáo viên nghỉ việc không tiếp tục diễn ra ở năm 2023 và những năm sau, trong báo cáo gửi Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu hàng loạt giải pháp.

Trong đó, đề nghị Quốc hội cho phép xây dựng luật Nhà giáo nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến tiêu chuẩn, tuyển dụng, quản lý, đãi ngộ, tôn vinh… phù hợp với vai trò, vị trí quan trọng, đặc thù lao động nghề nghiệp của nhà giáo; tạo động lực để nhà giáo gắn bó, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn