MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sân chơi Du Nội (huyện Đông Anh) do chị Đức và những cộng sự sáng tạo. Ảnh: PV

Nữ kiến trúc sư 8X miệt mài với ý tưởng làm sân chơi cho trẻ em

Kim Anh LDO | 23/12/2020 18:00

Nhận thấy sân chơi cho trẻ em còn đang hạn chế tại các thành phố lớn, kiến trúc sư Chu Kim Đức (40 tuổi, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên) với nỗ lực xây dựng sân chơi từ vật liệu tái chế đã lọt top 100 người phụ nữ của năm 2020 vừa được BBC vinh danh.

Từ những vật liệu tưởng chừng như bỏ đi

Cuối tháng 11 vừa qua, nữ kiến trúc sư Chu Kim Đức đã được BBC (Hãng tin Anh) vinh danh trong danh sách 100 người phụ nữ của năm 2020 nhờ nỗ lực tạo ra sân chơi bằng vật liệu tái chế cho trẻ em Việt Nam suốt nhiều năm qua.

“Ở Việt Nam, tại những TP lớn như Hà Nội với sự phát triển nhanh chóng thì những không gian công cộng nhất là những sân chơi cho trẻ em đang thiếu trầm trọng. Quyền được chơi của trẻ em vẫn chưa được thực sự quan tâm, thay vì ngồi trong nhà và cầm Ipad, trẻ em cần được ra ngoài chơi”, nữ kiến trúc sư 8X trăn trở.

Tốt nghiệp chuyên ngành quy hoạch đô thị tại trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, cô gái sinh năm 1980 lại tiếp tục theo học thạc sĩ tại Pháp với ngành thiết kế sân vườn cảnh quan và khảo cổ học. Ước mơ trở thành kiến trúc sư, chị đã trở về nước và mở cho mình một công ty thiết kế sân vườn.

Trong thời gian chị Đức tiếp tục học thêm dựng và làm phim nghệ thuật, cơ duyên đã giúp chị gặp được bà Judith Hansen (Mỹ) trong một lần bà ghé thăm Hà Nội. Nhận thấy cảnh quan ở Hà Nội khá đẹp nhưng sân chơi cho trẻ em còn thiếu, bà đã ngỏ ý tặng một sân chơi cầu trượt hình con rùa nhưng không được chấp nhận.

Nỗ lực của bà Judith Hansen dù không thành công cũng đã truyền cảm hứng cho chị Đức với mong muốn tạo ra thay đổi ngay trong thành phố mình sinh sống. Sau cuộc gặp gỡ ấy, chị Đức cùng các cộng sự của mình đã bắt tay vào thực hiện các dự án “Giành lại sân chơi cho trẻ em”.

Kiến trúc sư Chu Kim Đức trò chuyện với PV Lao Động.

Từ những vật liệu tưởng chừng bỏ đi như vỏ lốp xe, tấm gỗ thừa,… đều được chị và các tình nguyện viên thiết kế thành những món đồ đầy sắc màu cho trẻ em. Sân chơi tái chế còn có ý nghĩa nâng cao nhận thức của mọi người về việc sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả hơn.

Sân chơi đầu tiên được xây dựng ở Bãi giữa sông Hồng, vừa là nơi trẻ con địa phương có thể vui chơi, vừa là địa điểm khách du lịch ghé thăm. Sau đó mô hình được lan rộng tại nhiều khu phố như Ngọc Hà, Tân Mai,… và được rất nhiều người hưởng ứng. Đến 2016 chị cùng các cộng sự bắt đầu thành lập doanh nghiệp xã hội để có thể duy trì và gắn bó với dự án được lâu hơn.

Mỗi loại hình sân chơi đều giúp cho trẻ có được những trải nghiệm

Ứng dụng những kiến thức đã có về thiết kế, chị Đức cùng các cộng sự của mình học hỏi, tìm hiểm thêm những mô hình tại các nước trên thế giới, để làm sao cho nó phù hợp với các sản phẩm được tạo ra từ lốp và gỗ.

Sân chơi cho trẻ em ở Hà Lỗ (huyện Đông Anh).

Nói về khó khăn trong việc thực hiện các dự án sân chơi, chị Đức cho hay, tại Hà Nội diện tích đất còn hạn hẹp, hay có những sân chơi có nhiều đối tượng, độ tuổi khác nhau mà nhiều khi sân chơi trẻ con vẫn không được coi trọng.

“Mỗi loại hình sân chơi đều giúp cho các bé có được những trải nghiệm, có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường, tận dụng lại những thứ tưởng chừng như bỏ đi”, chị Đức tâm sự.

Ông Trương Phi Long - Bí thư Đoàn thanh niên phường Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội cho biết, những ý tưởng làm sân chơi cho trẻ em của chị Đức là rất tốt. Khi có sân chơi, chỗ giải trí thì các em nhỏ cũng có chỗ vui chơi sau những giờ học căng thẳng. Đây là mô hình cần được nhân rộng trong cộng đồng.

Trong suốt 6 năm qua, chị Đức cùng các cộng sự của mình đã xây dựng gần 200 sân chơi cộng đồng miễn phí. Những sân chơi được đặt tại các trường học, nhà văn hóa, các khu tập thể,... Dự án đi khắp mọi miền cả nước từ các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đến những vùng sâu , vùng xa như Hà Giang, Lào Cai, Lạng Sơn,…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn