MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Phái chia sẻ với phóng viên Báo Lao Động. Ảnh: Lương Hạnh.

Nữ thương binh hết lòng vì người khuyết tật

LUƠNG HẠNH LDO | 27/07/2023 11:25

Trải qua bom đạn chiến tranh, mất một bên mắt phải, nhưng với tinh thần của người “lính Cụ Hồ”, bà Nguyễn Phi Phái đã vươn lên, lấy việc giúp đỡ người khuyết tật làm niềm vui trong những ngày còn lại của cuộc đời...

Niềm vui của nữ thương binh...

Căn nhà nhỏ của bà Nguyễn Phi Phái - nữ thương binh hạng 4/4 - nằm ngay đầu ngõ Hàng Than (phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình, TP. Hà Nội). Ký ức năm nào về một thời chiến tranh bom đạn chưa một ngày phai mờ trong trí nhớ của bà.

Bà Phái nghẹn ngào kể lại, để tăng cường lực lượng chiến đấu cho chiến trường miền Nam và ở hậu phương miền Bắc, đầu năm 1968, bà cùng nhiều nam, nữ thanh niên trẻ được động viên vào lực lượng vũ trang và thanh niên xung phong. Hưởng ứng lời kêu gọi, tháng 5.1968, bà đã rời Trường Thanh Quan (Hàng Cót), lên đường nhận nhiệm vụ tại Đoàn xe 14, Cục Vận tải.

Biến cố đột ngột xảy ra, 4 tháng sau khi bà nhập ngũ, trong lần đi theo đoàn xe chuyển quân từ Thanh Hóa vào thành phố Vinh (Nghệ An), chiếc xe chở bà cùng 2 người đồng đội khác đã không may bị đánh bom. Vụ đánh bom bất ngờ khiến 1 đồng đội của bà hy sinh, còn bà vĩnh viễn mất đi mắt bên phải, gương mặt biến dạng đi nhiều...

Bà tâm sự, khi lựa chọn tự nguyện dâng hiến vì Tổ quốc, vì nhân dân, bà và đồng đội đã ý thức được khó khăn, nguy hiểm rình rập.

“Ngày ấy còn trẻ, còn khỏe nên vết thương nhanh chóng hồi phục nhưng nhìn gương mặt bị biến dạng, tôi buồn một thời gian dài... ” - bà Phái nghẹn ngào chia sẻ.

Với nhiệt huyết, tinh thần của người lính Cụ Hồ, nữ thương binh đã nhanh chóng vượt qua nỗi buồn để tiếp tục hoạt động tại Đoàn xe 14 cho đến khi nghỉ hưu. Năm 2018, bà được giao nhiệm vụ làm Chi hội trưởng Chi hội Người khuyết tật phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình, TP. Hà Nội.

Đồng hành cùng người khuyết tật

Từng trải qua bom đạn, tổn thương về thể xác và tinh thần, nên hơn ai hết, bà Phái thấu hiểu những tâm tư của người khuyết tật trên địa bàn phường.

"So với người khuyết tật trong hội, tôi là người bị nhẹ vì chỉ bị tổn thương phần mềm, vẫn đi lại được. Tham gia hội, tôi thấy mọi người sống với nghị lực phi thường, chính tôi cũng phải học tập" - bà Phái nói.

Niềm vui, hạnh phúc hiện nay của bà Phái (áo dài màu hồng, đứng giữa) là giúp đỡ người khuyết tật. Ảnh: NVCC

Bà Đoàn Thị Ngọc Lan - Chủ tịch Hội Người khuyết tật quận Ba Đình - cho biết: "Chị Phái là một người có tinh thần làm việc đầy trách nhiệm, không ngại khó, ngại khổ, hết lòng chăm lo cho hội viên; góp phần tạo dựng một mái nhà chung ấm áp cho hàng chục người khuyết tật trên địa bàn phường Nguyễn Trung Trực".

Cũng theo Chủ tịch Hội Người khuyết tật quận Ba Đình, một trong những lĩnh vực hoạt động nổi trội nhất của Chi hội Người khuyết tật phường Nguyễn Trung Trực chính là các hoạt động biểu diễn văn nghệ, bởi bà Phái hát rất hay. Trong các buổi văn nghệ, hội họp, chương trình giao lưu, bà thường xuyên đóng góp các tiết mục, đem lời ca tiếng hát của mình để lan tỏa thái độ sống lạc quan, vui vẻ, góp phần gắn kết và nâng cao đời sống tinh thần cho các hội viên.

Bên cạnh đó, để các hội viên được hỗ trợ kịp thời và không phải rơi vào tình cảnh khó khăn, bà Phái còn thường xuyên theo dõi, bám sát các hoạt động của phường, của quận để thông tin một cách chi tiết, tỉ mỉ.

Ngoài ra, với tinh thần tương thân tương ái, chung tay sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống, nữ thương binh này còn tích cực tổ chức các hoạt động ý nghĩa, mang tính nhân văn cao cả. Nhờ đó, các hội viên khuyết tật trên địa bàn phường Nguyễn Trung Trực luôn cảm thấy mình được đồng hành và sẻ chia.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn