MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nước mắt xe ghép, xe đi chung

Minh Hạnh LDO | 27/11/2023 17:23

Đánh trúng nhu cầu và tâm lý hành khách, nên nhiều năm trở lại đây, dịch vụ xe ghép, xe đi chung phát triển mạnh tại nhiều địa phương trên cả nước. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, nhiều chủ xe đã phải than trời vì ôm cục nợ, thậm chí, đứng trước nguy cơ phá sản.

Với ưu điểm đưa/đón khách tận nhà, không bị cấm vào các khung giờ cao điểm tại một số tuyến phố nội đô, "lách" đóng thuế... nhiều chủ xe đã bỏ xe hợp đồng để chạy xe ghép, xe đi chung. Nhưng, chỉ sau một thời thời gian ngắn, nhiều người đã phải than trời vì ôm cục nợ và có thể phá sản.

Sau 3 năm vay ngân hàng đầu tư 2 chiếc xe gần 2 tỉ đồng chạy xe ghép tuyến Hà Nội – Tuyên Quang, đến nay, anh Hoàng Xuân Linh (Sơn Dương, Tuyên Quang) đang gánh một khoản nợ trên 1 tỉ đồng mà chưa biết nguồn trả ở đâu.

Kinh doanh xe đi ghép, đi chung không còn là màu hồng. Ảnh minh họa: Minh Hạnh

Theo anh Linh, năm 2018, khi đang lái taxi, thấy bạn bè chạy xe ghép, xe đi chung thu nhập tốt, anh dồn tiền, vay thêm bạn bè, vay ngân hàng mua xe chạy ghép.

Thời gian đầu, anh Linh chạy không hết việc, mỗi ngày chạy 2-3 chuyến, anh quyết định mua thêm xe và thuê người chạy. Sau khi mua xe được một thời gian thì gặp dịch COVID-19, không có khách, anh Linh chuyển sang chở hàng để đỡ phần chi phí. Tuy nhiên, kể từ sau dịch đến nay, lượng khách giảm hẳn, ngày chỉ chạy 1-2 chuyến, đa số các chuyến, khách không lấp đầy xe...

Theo một số tài xế xe đi chung, xe ghép, hiện mỗi ngày có hàng nghìn xe đi ghép, đi chung đưa đón khách đến và đi từ Hà Nội. Do đó, cung - cầu không cân bằng khiến nhiều người lâm vào cảnh khó khăn, người vay mượn đầu tư xe có thể dẫn tới phá sản.

Theo ông Đỗ Văn Bằng – Chủ hãng xe Sao Việt, hiện giá xe Mitsubishi Attrage MT (Euro5) xuất xưởng chỉ 380 triệu đồng, xe Xpander Cross MY23 là 698 triệu đồng. Đây là 1 trong những dòng xe thường được sử dụng làm xe đi ghép, đi chung. Nếu đi 2-3 năm, xe Xpander chỉ bán được trên 300 triệu đồng, lỗ vài trăm triệu. Do đó, nếu lái xe không rút nhanh sẽ vỡ nợ vì phần lớn tài sản đi vay.

Cũng theo ông Bằng, hiện rất khó thống kê số lượng xe ghép ở các tỉnh, thành chạy về Hà Nội vì đây là hoạt động "chui", không chịu sự quản lý của các cơ quan chức năng.

“Đây là loại hình dịch vụ mới xuất phát từ nhu cầu của người dân, hoạt động "ngoài vòng pháp luật" với cả ưu điểm và nhiều mặt trái. Do đó, cần phải sớm có giải pháp quản lý đối với loại hình dịch vụ này thông qua các quy định của pháp luật cùng những cơ chế, chính sách đồng bộ, phù hợp”, ông Bằng cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn