MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều người mang chó ra khu công cộng không đeo rọ mõm rất mất an toàn cho người xung quanh. Ảnh: Hà Giang

Nuôi chó trong các khu dân cư: Nên siết quy định về quản lý

Minh Hạnh LDO | 06/02/2023 10:00
Theo quy định, việc nuôi chó trong khu dân cư phải đảm bảo vệ sinh môi trường, phải tiêm vaccine, khi đưa chó ra nơi công cộng phải có rọ mõm… Tuy nhiên, nhiều người khi đưa chó ra đường vẫn không thực hiện quy định trên, ảnh hưởng đến những người xung quanh.

Việc nuôi chó hàm chứa hai yếu tố tích cực là làm thỏa mãn nhu cầu tình cảm của người nuôi và trông giữ tài sản cho họ. Pháp luật không có quy định nào về việc cấm nuôi chó kể cả việc nuôi chó ở nhà chung cư. Tuy nhiên, người nuôi chó phải trông giữ, nuôi nhốt cẩn thẩn để tránh trường hợp chó tấn công người (đặc biệt đối với trường hợp chó đã mắc bệnh dại).

Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT quy định về phòng chống dịch bệnh động vật của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, việc nuôi chó phải đăng ký với UBND cấp xã tại các đô thị, nơi đông dân cư; Xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh.

Khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt; Nuôi chó tập trung phải bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không gây ồn ào, ảnh hưởng xấu tới những người xung quanh; Chấp hành tiêm vaccine phòng bệnh dại cho chó, mèo theo quy định…

Theo thống kê của Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM, trong kỳ nghỉ Tết vừa qua, bệnh viện này đã tiếp nhận và tiêm phòng bệnh dại cho 1.365 trường hợp trên địa bàn TP.HCM, đa phần là bị chó cắn. Qua ghi nhận, hầu hết người bị chó tấn công khi đi chúc Tết.

Đại diện Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, bệnh dại chủ yếu lây truyền qua các vết cắn, vết trầy xước từ nước bọt của động vật bị dại sang cơ thể người. Sau khi xâm nhập, nếu không kịp thời tiêm vaccine dại, virus dại sẽ nhân nhanh số lượng ngay tại điểm cắn, di chuyển dọc theo các dây thần kinh, tiến thẳng tới hệ thần kinh trung ương với tốc độ khoảng 12-24mm mỗi ngày để bắt đầu hành trình “tàn phá”.

Bệnh dại không phát ngay, thời kỳ ủ bệnh trung bình từ 30-90 ngày, có thể kéo dài đến 1 năm. Vết thương càng nặng, càng gần các đầu mút thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn. Ngược lại, nếu vết thương nhẹ, xa thần kinh trung ương, “đoạn đường” di chuyển của virus lên đến não và thời gian ủ bệnh sẽ dài hơn.

Người nhiễm virus dại khi đã lên cơn dại thì tỉ lệ tử vong là gần như 100%, mặc dù vậy bệnh dại hoàn toàn có thể ngăn ngừa được nếu người bị động vật nghi dại cắn được tiêm phòng vắc xin đúng và đầy đủ. Các trường hợp tử vong do bệnh dại chủ yếu là chưa tiêm vaccine và thường gặp ở vùng nông thôn nơi có tập quán nuôi chó thả rông, không tiêm phòng vaccine cho đàn chó và còn thiếu hiểu biết về phòng, chống bệnh dại.

Tối 2.2.2023, tại chung cư Q7 Riverside (TP.HCM), một con chó không có người dắt, không dây xích, không rọ mõm liên tục chạy đến gần một trẻ nhỏ khiến bé hoảng sợ, để trấn an con mình người cha đã xua đuổi con chó, ngay lập tức bị chủ của chú chó hành hung dã man, khiến anh bị thương nặng phải nhập viện điều trị.

Nhiều người cho rằng, việc nuôi chó mèo tại các khu chung cư ảnh hưởng rất lớn đến các hộ dân xung quanh, như mùi hôi, tiếng sủa… Theo chị Mai Hằng (Khu đô thị Sông Đà, Mỹ Đình, Hà Nội), nhiều lần vào thang máy, chị phát hoảng khi gặp 2-3 con chó cảnh không đeo rọ mõm, tuy không tấn công ai nhưng sủa ầm ĩ rất khó chịu. Do đó, các ban quản lý chung cư cần có những quy định về việc nuôi thú cưng tại các chung cư.

Để chủ động phòng, chống bệnh dại, các chuyên gia khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y, không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm, không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn