MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công an tỉnh Nghệ An phối hợp phá vụ án nuôi nhốt hổ trái phép tại xã Đô Thành, huyện Yên Thành ngày 4.8.2021. Ảnh: NP

Nuôi hổ trái phép - hình phạt và hậu quả khôn lường

QUANG ĐẠI LDO | 06/03/2022 21:39
Lén lút nuôi hổ trái phép với mục đích bán nấu cao là hành vi phạm pháp, gây nguy hiểm cho đàn hổ, người nuôi và xã hội.

TAND tỉnh Nghệ An vừa tuyên phạt Nguyễn Văn Hiền (40 tuổi, trú xã Đô Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) 7 năm tù giam về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm theo quy định tại Khoản 3, Điều 244 Bộ luật Hình sự 2015.

Trước đó, ngày 4.8.2021, công an phát hiện 14 cá thể hổ nuôi nhốt trái phép trong hầm nhà Nguyễn Văn Hiền. Tại cùng thời điểm, công an cũng phát hiện một trường hợp nuôi nhốt trái phép 3 cá thể hổ khác tại nhà dân cùng trên địa bàn.

Theo Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), các vụ án hình sự được xét xử trong 10 năm qua tại Việt Nam (giai đoạn 2010 - 2019) có gần 23% trong tổng số khoảng 800 bị cáo liên quan đến tội phạm về động vật hoang dã đến từ tỉnh Nghệ An hoặc Hà Tĩnh. Trong hầu hết các vụ buôn bán, vận chuyển hổ trái phép bị phát hiện trên cả nước, phần lớn số hổ bị bắt giữ đều được cho là có nguồn gốc từ Nghệ An.

Hành vi nuôi nhốt hổ trái phép gây nguy hiểm cho đàn hổ, vì điều kiện nuôi nhốt, vệ sinh, ăn uống, chăm sóc thú y không đảm bảo. Nhiều con hổ bị nhiễm bệnh hoặc chết; hầu hết hổ nuôi đều yếu và không còn bản năng sinh tồn ngoài tự nhiên.

Việc lén lút giết thịt, nấu cao và bán các sản phẩm từ hổ qua thị trường bất hợp pháp đã kích thích tâm lý thích sử dụng các sản phẩm từ hổ của người dân, tạo động lực cho các hành vi nuôi nhốt, buôn bán hổ.

Người nuôi hổ cũng đối mặt với nguy cơ bị hổ tấn công hoặc bị cơ quan pháp luật xử lý. Cơ quan chức năng cũng rất vất vả, mệt mỏi, ngân sách tốn kém để chi cho các hoạt động đấu tranh với các hành vi tội phạm liên quan việc nuôi nhốt, buôn bán hổ.

Tại Nghệ An, sau khi phát hiện đàn hổ 17 con nuôi nhốt trong nhà dân, cơ quan chức năng phải huy động lực lượng, phương tiện, gây mê đàn hổ để vận chuyển sang nơi nuôi nhốt tạm thời chờ xử lý. Có 8 con hổ đã bị chết trong quá trình vận chuyển phải cấp đông, chi phí khá lớn.

9 con hổ còn lại được gửi nhờ Trung tâm sinh thái Mường Thanh chăm sóc, với chi phí lên tới khoảng 20 triệu đồng/ngày, gồm chi phí thức ăn và công chăm sóc. Tỉnh Nghệ An rất vất vả mới liên hệ được vườn thú ở Hà Nội tiếp nhận nuôi. Tổng chi phí chăm sóc đàn hổ đã lên tới nhiều tỉ đồng, trong khi ngân sách địa phương còn khó khăn.

Ngoài ra, nhiều vụ khác, khi bắt được hổ còn sống, cơ quan chức năng đều phải tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc rất tốn kém. Những con hổ này được sinh ra trong các trang trại nuôi hổ ở nước ngoài, nên không có giá trị về đa dạng sinh học, không còn bản năng sinh tồn.

Do đó, cơ quan chức năng không thể thả về rừng tự nhiên, liên hệ để cơ sở đủ điều kiện nhận nuôi họ cũng không mặn mà vì cơ số đã đủ và chi phí nuôi hổ rất lớn.

Do đó, thiết nghĩ bên cạnh việc cơ quan chức năng ráo riết điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến nuôi nhốt, buôn bán hổ, dư luận cần lên tiếng mạnh mẽ phản ứng các hành vi vi phạm pháp luật liên quan, tẩy chay các sản phẩm từ hổ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn