MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Ở lâu năm tại Hà Nội, vì sao nhiều công nhân vẫn chỉ tạm trú?

Bảo Hân LDO | 15/02/2023 06:41
Dù làm việc tại Hà Nội đã lâu, có chỗ thuê nhà ổn định, nhưng có thực tế hiện nay là nhiều công nhân vẫn chỉ đăng ký tạm trú.  
Công nhân thuê trọ tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội. Ảnh minh hoạ: Bảo Hân 

Anh Trần Văn T (quê ở Thanh Hoá) cùng vợ làm công nhân tại khu công nghiệp Thăng Long được 5-6 năm nay. Vợ chồng thuê trọ tại thôn Hậu Dưỡng, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội. Dù đã xa quê, đi làm nơi đất khách trong thời gian lâu như vậy, nhưng hiện nay, vợ chồng anh T vẫn chỉ đăng ký tạm trú.  

“Hộ khẩu của vợ chồng tôi vẫn ở Thanh Hoá. Vợ chồng tôi chỉ đăng ký tạm trú tại nơi trọ” - anh T cho biết.  

Theo nam công nhân này, cứ mỗi một năm, chủ nhà trọ lại nhắc anh làm thủ tục tạm trú. Thường thì chủ trọ sẽ làm giúp anh, không thì anh phải tự đi làm. “Tôi làm theo ca nên vào giờ hành chính có thể chủ động đến uỷ ban xã để làm thủ tục. Nếu không vì ngại bị phạt hành chính vì không đăng ký tạm trú, có lẽ tôi sẽ không nhớ đến thủ tục này” - anh T cho hay.  

Theo anh T, dù làm ở đây đã lâu năm, nhưng vợ chồng anh không xác định làm việc ở đây lâu dài. Hiện giờ, cả 2 còn trẻ, khoẻ nên cố gắng đi làm xa, kiếm tiền nuôi các con ăn học. Anh chị dự định một vài năm nữa sẽ về quê, kiếm công việc khác.  

Cũng giống như anh T, chị Đỗ Thị Nh không xác định mình và gia đình gắn bó lâu dài tại xã Võng La, huyện Đông Anh, Hà Nội. Vợ chồng chị làm công nhân tại khu công nghiệp Thăng Long đã nhiều năm nay, thuê trọ tại căn nhà hiện nay cũng đã lâu, nhưng chị Nh chưa bao giờ nghĩ đến việc đăng ký thường trú tại nơi mà mình ở trọ. Hộ khẩu của anh chị vẫn ở quê.

“Các con đang ở cùng, theo học tại các trường ở gần nơi trọ. Chỉ cần có giấy tạm trú là đủ điều kiện để cho các con đi học, nên tôi không quan tâm đến việc chuyển hộ khẩu hay đăng ký thường trú” - chị Nh cho hay và nói thêm, thủ tục đăng ký tạm trú khá nhanh, chỉ cần chuẩn bị giấy tờ đầy đủ là được cấp theo đúng quy định.  

Dù đã được ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn nhưng chị Nh không xác định làm việc lâu dài tại đây. “Từ Tết, công ty ít việc nên tôi vẫn đang ở nhà, chưa được đi làm. Về lâu dài, tôi không biết công việc của mình có ổn định không, hay là cứ bấp bênh, ít việc như bây giờ...” - chị Nh tâm sự.  

Theo tìm hiểu, hầu hết công nhân thuê trọ tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội đều thuộc diện tạm trú. Hộ khẩu của họ vẫn ở quê và họ không có ý định chuyển khẩu hay đăng ký thường trú. 

Theo quy định tại Khoản 8 Điều 2 Luật Cư trú 2020: Nơi thường trú là nơi công dân sinh sống ổn định, lâu dài và đã được đăng ký thường trú.

Khoản 9 Điều 2 Luật Cư trú 2020 quy định: Nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống trong một khoảng thời gian nhất định ngoài nơi thường trú và đã được đăng ký tạm trú. 

Khoản 3, Điều 20 Luật Cư trú quy định: Trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều này, công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Được chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý cho đăng ký thường trú tại địa điểm thuê, mượn, ở nhờ và được chủ hộ đồng ý nếu đăng ký thường trú vào cùng hộ gia đình đó;

b) Bảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 8 m2 sàn/người.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn