MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Ở xã chuẩn nông thôn mới, dân vẫn nơm nớp lo sợ vì dùng trụ điện tạm bợ

Hoài Luân LDO | 22/10/2022 08:14

Bình Định - Mặc dù đã đạt chuẩn nông thôn mới, thế nhưng 30 hộ dân tại xã Cát Sơn vẫn nơm nớp lo sợ vì đường dây điện ở đây chằng chịt, trụ điện chỉ làm tạm bợ bằng những cây tre, nhiều trường hợp đã bị điện giật do các trụ tre đổ ngã hay bị rò rỉ điện.

Hơn 20 năm sống trong thấp thỏm

Phản ánh của gần 30 hộ dân tại xóm Sơn Lâm Nam, thôn Hội Sơn, xã Cát Sơn, huyện Phù Cát, hơn 20 năm qua, người dân sống ở đây phải sống trong lo âu, thấp thỏm vì đường dây điện kéo từ công tơ điện đến từng nhà dân cách xa, khoảng từ 500-700m, nhưng chỉ dùng những trụ tre, gỗ để chống tạm bợ.

Đường dây điện vào nhà dân rối như tơ nhện.

Mỗi khi bão lũ hay chỉ đơn thuần là những trận mưa nặng hạt, người dân ở đây lại mất ăn mất ngủ vì lo sợ các trụ điện tạm bợ bị đổ ngã, gây nguy hiểm cho người dân sống tại khu vực này.

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại đây đã xảy ra vài vụ người và gia súc bị điện giật do các trụ điện bằng tre bị gãy hoặc bị nhiễm điện, may mắn là chưa có trường hợp nào tử vong.

Nhiều trụ điện tạm bợ  đã bị đổ ngã.

Ông Nguyễn Văn Như (53 tuổi, hộ dân tại xóm Sơn Lâm Nam, thôn Hội Sơn, xã Cát Sơn) chia sẻ, từ khi bắt đầu kéo điện từ công tơ điện vào nhà thì đường ở đây là đường đất, sau này thì mới đổ đường bê tông. Đến nay, những trụ điện ở đây chỉ được chống tạm bợ bằng những cây tre.

Nhiều hộ dân lo sợ vì có nhiều trường bị điện giật do trụ điện đổ ngã.

“Người dân ở đây cũng có kiến nghị nhiều lần lên chính quyền địa phương nhưng đến nay vẫn chưa thấy làm. Ở đây thì mất điện liên tục, mỗi lần kêu thợ sửa là khổ lắm, không biết dây điện nào của mình mà tìm” – ông Như than thở nói.

Đường dây điện từ công tơ điện vào nhà hầu như toàn chống bằng trụ tre.

Còn ông Đặng Đức Linh (57 tuổi, hộ dân tại xóm Sơn Lâm Nam, thôn Hội Sơn, xã Cát Sơn) cho hay, nhà tôi có 6 người, sống ở đây cũng được 30 năm rồi. Từ công tơ điện vào tới nhà tôi cũng hơn 600m mà dùng trụ điện tạm bợ như này thì rất nguy hiểm. Nhiều khi trụ điện bị sập, người với bò nghé đã từng bị điện giật nhưng cũng may chưa có thiệt hại gì lớn.

Từ công tơ điện vào nhà dân cách rất xa, khoảng 500-700m. 

Ông Đặng Văn Nông (61 tuổi, Phó thôn Hội Sơn kiêm Trưởng xóm Sơn, xã Cát Sơn) cho biết: Người dân ở đây cũng còn khổ nên không có điều kiện để bỏ tiền kéo dây điện từ công tơ điện vào đây. Tôi sẽ vận động bà con xử lý cây cối, vườn tược để khi các đường dây điện được kéo qua thì khỏi giải phóng mặt bằng, dân sẽ tự hiến đất.

Không phải trách nhiệm nhưng sẽ hỗ trợ

Về việc người dân tại thôn Hội Sơn phải dùng trụ điện tạm bợ trong thời gian dài, ông Nguyễn Thanh Sang – Phó Chủ tịch xã Cát Sơn lý giải: Do khoảng cách từ công tơ điện đến nhà dân xa nên kinh phí đầu tư để kéo điện cũng có hạn, mỗi năm nâng cấp một ít. Địa phương cũng đề nghị với ngành điện đầu tư, ngành điện cũng đã đi khảo sát nhiều lần nhưng lĩnh vực này thuộc của ngành điện nên địa phương chỉ dừng ở mức đề nghị.

Dọc 2 bên đường vào các hộ dân, nhiều cọc tre đã xiêu quẹo. 

Ông Nguyễn Văn Hưng – Chủ tịch UBND huyện Phù Cát cho biết: Tôi sẽ cho anh em đi kiểm tra khu vực này, trách nhiệm của chính quyền ở đâu tôi sẽ xem, nếu có thì cũng chỉ là hỗ trợ. Theo quy định của Luật Điện lực thì ngành điện chỉ kéo điện đến đồng hồ tổng, còn từ đồng hồ tổng vào đến nhà dân thì người dân phải chi trả chi phí đó. Ngành điện là đơn vị kinh doanh nên nhiều khi khu vực này ít hộ dân nên họ làm tạm bợ.

Ông Thái Minh Châu – Giám đốc Công ty Điện lực Bình Định cho biết, ngành điện chỉ đầu tư đường dây dẫn điện đến công tơ điện, còn từ công tơ điện về nhà thì người dân phải đầu tư. Nhưng do khu vực này có vị trí đầu tư đường dây nằm cách xa nhà họ nhiều quá, chúng tôi sẽ đăng ký bổ sung 30 hộ này vào kế hoạch năm 2023.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn