MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Biên bản giao nhận tài liệu, chứng cứ giữa người lao động và Tòa án Nhân dân quận Cầu Giấy. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ông Nguyễn Tử Quảng vẫn im lặng sau tuyên bố "cho contact" giải quyết nợ lương người lao động

HẠNH AN LDO | 07/03/2024 13:19

Sau khi người lao động tố Công ty Cổ phần Điện tử BHS nợ lương, từ ngày 22.2 đến nay, ông Nguyễn Tử Quảng - người đại diện pháp luật của công ty này - vẫn im lặng dù trước đó, ông tuyên bố sẽ cho "contact" và giao đơn vị Media và pháp chế của công ty làm việc với phóng viên Báo Lao Động.

Công ty BHS (viết tắt của BKAV Hardware Solution), được Công ty BKAV chính thức công bố vào tháng 5.2022. Theo Công ty BKAV, Công ty BHS "cung cấp dịch vụ nghiên cứu, phát triển và sản xuất sản phẩm điện tử, định hướng hoạt động như một nhà sản xuất ODM, giống mô hình của Foxconn". Ông Nguyễn Tử Quảng hiện là người đại diện pháp luật của Công ty BHS.

Sau Tết Nguyên đán 2024, để làm rõ việc Công ty Cổ phần Điện tử BHS (Công ty BHS) nợ lương người lao động, liên tục hứa nhưng không trả lương đúng cam kết, phóng viên đã liên hệ qua điện thoại với ông Nguyễn Tử Quảng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần BKAV vào ngày 22.2 để đặt lịch làm việc.

Khi liên hệ qua điện thoại để đặt lịch làm việc, ông Nguyễn Tử Quảng đòi phê bình và kiện Báo Lao Động.

Khi phóng viên giải thích đã liên hệ qua điện thoại với Trưởng Ban nhân sự Công ty Cổ phần Điện tử BHS, ông Quảng phủ nhận: "Trưởng Ban nhân sự là ai? Thứ hai, tôi sẽ cho "contact" (thông tin liên lạc) phía Media bên tôi và pháp chế để làm việc với bạn".

Đã 2 tuần trôi qua, Báo Lao Động tiếp tục nhận được phản ánh của nhiều người lao động bị Công ty Cổ phần Điện tử BHS nợ lương trong thời gian dài. Thậm chí, có 3 người lao động bị công ty này nợ lương đã gửi đơn khởi kiện công ty đến Toà án Nhân dân quận Cầu Giấy, TP Hà Nội.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Tử Quảng vẫn "im hơi lặng tiếng" sau tuyên bố sẽ cho thông tin liên lạc phía Media và pháp chế của công ty để làm việc với phóng viên.

Sau khi phản ánh tình trạng nợ lương, nợ bảo hiểm của BKAV, Báo Lao Động tiếp tục nhận được nhiều bức xúc của bạn đọc liên quan đến vụ việc.

Bạn đọc Nguyễn Thanh Hiệp bày tỏ: "Không trả lương đúng hạn hay nợ lương kéo dài đều vi phạm nghiêm trọng Luật Lao động. Người bị nợ lương có thể đưa vụ việc ra tòa và yêu cầu phán quyết từ tòa án. Thiết nghĩ đây là một việc vi phạm hợp đồng lao động nghiêm trọng và phải được giải quyết theo luật".

"Áp dụng quy định nợ không trả thì làm thủ tục phá sản! Dây dưa còn làm khổ người lao động thêm" - bạn đọc Trương Văn Tốt đề nghị.

Ngày 6.3.2023, phóng viên Báo Lao Động đã đặt lịch làm việc với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội để tiếp cận thông tin liên quan đến việc Công ty Cổ phần Điện tử BHS nợ lương nhân viên trong thời gian dài, liên tục hứa rồi lại thất hứa, gây nhiều bức xúc trong dư luận.

Ngày 7.3, phóng viên Báo Lao Động tiếp tục liên hệ với ông Nguyễn Tử Quảng qua số điện thoại trước đó đã từng trao đổi để nắm kế hoạch làm việc với bộ phận Media và pháp chế của công ty. Tuy nhiên sau khi đổ chuông, người này lập tức tắt máy và không liên hệ lại.

Theo Luật sư Quách Thành Lực - Đoàn Luật sư TP Hà Nội, tại Điều 94 Bộ luật Lao động 2019 có nêu rõ: Nguyên tắc trả lương:

Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động.

Đồng thời, Điều 48 Bộ luật Lao động 2019 có quy định về trách nhiệm của các bên khi chấm dứt hợp đồng lao động đúng luật như sau:

Trách nhiệm khi chấm dứt hợp đồng lao động: Trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên Theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP mức xử lý hành chính này là mức phạt đối với người sử dụng lao động là cá nhân, đối với công ty (tổ chức) mức phạt tiền sẽ gấp 02 lần.

Như vậy, sau khi người lao động nghỉ việc và hết thời hạn thanh toán mà công ty vẫn không trả lương thì tùy thuộc vào số lượng người lao động và công ty vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn