MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giáo viên dạy bài cho nhiều phạm nhân ở trại giam Gia Trung. Ảnh Thanh Tuấn

Phạm nhân trở về đời thường, phải có một nghề trong tay

THANH TUẤN LDO | 12/05/2023 10:50

Những năm qua, Trại giam Gia Trung (Cục C10 – Bộ Công an) liên kết với Trường Cao đẳng Gia Lai đào tạo nghề cho hàng trăm phạm nhân. Trong vòng 5 năm có 455 phạm nhân được học nghề, giúp họ có thêm kiến thức, kinh nghiệm để làm việc, thuận lợi trong tái hòa nhập cộng đồng.

Ngày 12.5, Trung tá Nguyễn Văn Quỳnh – Đội trưởng đội Kế hoạch hướng nghiệp dạy nghề và xây dựng (Trại giam Gia Trung, đóng tại huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) cho biết, trong 5 năm (2018-2023) đơn vị liên kết mở hơn 10 lớp đào tạo nghề, cấp chứng chỉ sơ cấp nghề cho 455 phạm nhân.

Hằng năm, các giáo viên trường Cao đẳng Gia Lai về tại đơn vị dạy các nghề như: xây dựng, cạo mũ caosu, lớp điện, hàn xì, sửa xe máy… Mỗi lớp học trung bình có 35 phạm nhân, ngoài được dạy nghề, các phạm nhân còn được động viên truyền lại nghề cho nhau, người trước chỉ dạy, hỗ trợ cho người đi sau.

Theo trung tá Quỳnh, cán bộ đơn vị luôn động viên các phạm nhân cố gắng học hành để có một nghề trong tay, mai này khi trở về với đời thường, họ dễ tìm được công việc mưu sinh, thành người có ích cho xã hội.

Phạm nhân được giáo viên giảng dạy nghề điện. Ảnh Thanh Tuấn

Trại giam Gia Trung cũng lập danh sách giới thiệu với một số công ty, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động, tạo điều kiện cho phạm nhân mãn hạn chấp hành án tìm kiếm được việc làm thuận lợi, đúng chuyên môn.

Ngoài ra, để việc học nghề có hiệu quả, cán bộ trại giam còn mời lao động có tay nghề ở các công ty caosu trên địa bàn về truyền nghề trực tiếp cho phạm nhân. Việc truyền nghề này không được cấp chứng chỉ nhưng lại giúp ích cho phạm nhân có kinh nghiệm, hiểu biết để thực hành thành thạo.

Sản phẩm từ thực hành nghề như cạo mũ caosu, gia công ghế nhựa, may mặc… sẽ được đưa vào quỹ đào tạo nghề, khi phạm nhân hết thời hạn chấp hành án, ra ngoài xã hội sẽ có thêm đồng vốn từ thành quả lao động để sớm ổn định cuộc sống.

“Cái khó của đào tạo nghề cho phạm nhân là trăn trở, suy nghĩ nên định hướng cho họ học nghề gì phù hợp với thị trường, nhu cầu xã hội, kể cả địa phương nơi phạm nhân cư trú trước đó.

Nếu phạm nhân từng cư trú ở địa bàn Gia Lai, Kon Tum thì nên đào tạo nghề cạo mũ caosu để tìm việc làm ở các nông trường. Phạm nhân có hộ khẩu tại các tỉnh thành ven biển miền Trung hoặc ở miền Nam thì nên đào tạo cho họ nghề xây dựng, nghề điện…để sau này họ ra dễ kiếm việc làm”, trung tá Quỳnh chia sẻ.    

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn