MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cung Thiếu nhi Hà Nội là nơi thu hút nhiều trẻ em đến sinh hoạt, vui chơi. Ảnh TV

Phản hồi của Thành Đoàn Hà Nội về việc thu hồi tòa nhà Pháp cổ ở Cung Thiếu nhi

VƯƠNG TRẦN LDO | 20/08/2018 19:26
Ngày 20.8, Ban Chấp hành Đoàn thành phố Hà Nội vừa có văn bản thông tin về việc quản lý tài sản công tại Cung Thiếu nhi Hà Nội.

Theo đó, văn bản của Thành đoàn thành phố thông tin, Cung thiếu nhi là đơn vị sự nghiệp 2 cấp trực thuộc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành phố Hà Nội. Ban Thường vụ Thành đoàn Hà Nội khẳng định thành phố luôn quan tâm dành những điều tốt đẹp nhất của Thanh thiếu nhi Thủ đô.

Văn bản nêu rõ, thường trực Thành ủy đã thống nhất chỉ đạo giao cho Ban Thường vụ Thành đoàn phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao Thành phố hoàn thiện hồ sơ báo cáo thành phố thực hiện quy trình gắn biển di tích cách mạng để giáo dục truyền thống và trân trọng những giá trị lịch sử.

Thành phố giao cho Ban Thường vụ Thành đoàn chỉ đạo Cung Thiếu nhi Hà Nội nâng cao hiệu quả quản lý, hoạt động để thu hút đông đảo Thanh thiếu nhi tham gia học tập, vui chơi, giải trí tại Cung Thiếu nhi Hà Nội.

Tòa nhà 2 tầng Cung Thiếu nhi Hà Nội. Ảnh TV.

Liên quan tới vấn đề này, trao đổi với PV Lao Động, một cán bộ Cung Thiếu nhi Hà Nội bày tỏ: Cung thiếu nhi Hà Nội là ngôi nhà chung lưu dấu tuổi thơ của nhiều thế hệ. Nơi này có rất nhiều kỷ niệm gắn bó, là nơi học tập, sinh hoạt, vui chơi của hàng nghìn trẻ em. Việc gắn biển di tích và bảo tồn Cung thiếu nhi sẽ lưu dấu những kỷ niệm không phai dấu qua năm tháng đối với thiếu nhi Thủ đô.

Trước đó, như Lao Động đã thông tin, Cung Thiếu nhi Hà Nội tọa lạc ngay khu vực trung tâm của Thủ đô. Công trình này nằm ngay bên cạnh tượng đài Vua Lý Thái Tổ và hồ Gươm huyền thoại. Trong những ngày hè, Cung Thiếu nhi Hà Nội là một trong những địa điểm rất đông đúc, nhộn nhịp với nhiều lớp học, các chương trình sinh hoạt dành cho thiếu nhi Thủ đô. Mỗi năm tại đây có khoảng 2 vạn lượt thiếu nhi đến tham gia sinh hoạt tại hơn 70 bộ môn đang được giảng dạy, đào tạo tại cung.

Cung Thiếu nhi bao gồm 3 cụm công trình: Toà nhà 5 tầng, rạp Khăn Quàng Ðỏ và một toà nhà có từ thời Pháp - chính là toà nhà đang được yêu cầu bàn giao. Toà nhà này có kiến trúc Pháp, cao hai tầng, bao quanh là sân vườn, có tổng diện tích hơn 1.200m2. Với vẻ đẹp cổ kính, nhiều thế hệ giáo viên, học sinh gọi toà nhà này là “lâu đài tuổi thơ”.

Thời Pháp, khu vực này mang tên “Ấu trĩ viên” (vườn trẻ). Toà nhà kiến trúc Pháp nêu trên là nơi Hồ Chủ tịch cùng đại diện Chính phủ Pháp ký Hiệp định sơ bộ ngày 6.3.1946. Từ ngày tiếp quản Thủ đô (1954) đến nay, toà nhà vẫn được sử dụng để phục vụ cho thiếu niên, nhi đồng. Trong quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc khu phố cổ (do UBND thành phố Hà Nội ban hành năm 2015), quần thể xung quanh toà nhà Ấu trĩ viên được yêu cầu bảo vệ nguyên trạng.

Cung Thiếu nhi Hà Nội là dấu ấn không gì có thể thay thế được

PGS-TS Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội - cho rằng: Cung Thiếu nhi - giống như cái nôi từ xưa đến nay là nơi vui chơi giải trí, học tập, đào tạo kỹ năng cho rất nhiều thế hệ thiếu nhi trưởng thành từ đó. Do đó, tôi tin rằng, thành phố sẽ không vì bất cứ lý do gì mà lại có chuyện xâm phạm, lấy đi khu vui chơi, sinh hoạt, học tập, đào tạo kỹ năng của trẻ. Thành phố rất quan tâm tới việc phát triển của trẻ em, mà ở Cung Thiếu nhi là một dấu ấn, không có gì có thể thay thế được.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn