MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Phản hồi về trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động

ANH THƯ LDO | 18/01/2021 16:42
Báo Lao Động nhận được đơn thư của bà Phạm Kim Hoa (Mai Động, quận Hoàng Mai, TP.Hà Nội) đề nghị giải quyết về sự việc công ty đơn phương cho người lao động nghỉ việc trái luật.

Đơn phương chấm dứt hợp đồng của người lao động?

Theo đơn thư của bà Phạm Kim Hoa, bà đã làm việc và ký các hợp đồng lao động với Công ty Cổ phần Chứng khoán Đại Nam (Cty Đại Nam) bao gồm: Hợp đồng lao động số 16/2015/HĐLĐ-DNSE (thời hạn 12 tháng); Hợp đồng lao động số 80/2016/HDLD-DNSE (thời hạn 3 năm); Hợp đồng lao động số 80.1/2019/HDLD-DNSE (thời hạn là “không xác định thời hạn").

Bà Phạm Kim Hoa làm việc với chức danh Trưởng phòng Quản lý Giao dịch; hàng năm, công ty đều đánh giá bà Hoa hoàn thành tốt nhiệm vụ, không có bất kỳ vi phạm nào.

Từ tháng 6.2020, Cty Đại Nam chuyển đổi chủ sở hữu. Ngày 3.9.2020, Ban lãnh đạo mới của Công ty tổ chức họp yêu cầu điều chuyển bà Phạm Kim Hoa sang bộ phận Kiểm soát nội bộ và thực hiện bàn giao công việc cho bà Phùng Thị Thu Hà. Ngày 7.9.2020, Công ty họp và lập tuyên bố cho bà Phạm Kim Hoa nghỉ việc từ ngày 7.9.2020, đồng thời đồng ý các thủ tục bồi thường cho bà Hoa theo quy định.

Ngày 8.9.2020, trưởng phòng Hành chính Nhân sự đề nghị bà Phạm Kim Hoa làm đơn xin nghỉ việc và công ty sẽ hỗ trợ 2 tháng lương nhưng bà Hoa không đồng ý. Ngày 14.9.2020, bà Phạm Kim Hoa gửi đề nghị giải quyết về sự việc công ty đơn phương cho người lao động nghỉ việc trái luật. Sau đó, trưởng phòng Hành chính Nhân sự đã mời bà Hoa lên làm việc. Bà Phạm Kim Hoa đã có trao đổi hoặc làm việc với đại diện công ty vào các ngày 18.9; 1.10; 7.10.

Theo tạm tính của bà Phạm Kim Hoa thì đến ngày 29.10.2020 Cty Đại Nam phải bồi thường cho bà số tiền 216.311.509 đồng nhưng sau nhiều lần gặp gỡ trao đổi, đến nay bà vẫn chưa được giải quyết dứt điểm chế độ.

Thủ tục kỷ luật sa thải đúng quy định pháp luật

Về việc này, Cty Đại Nam cho hay, công ty thành lập năm 2007 nhưng hoạt động kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ kéo dài. Đầu tháng 7.2020, công ty bắt đầu quá trình thực hiện chuyển đổi chủ sở hữu, thay đổi ban lãnh đạo, hệ thống quản trị, thay đổi phương hướng kinh doanh. Công ty có ý định sắp xếp bà Hoa lên vị trí cao hơn là Kiểm soát nội bộ và bà Hoa đã chấp thuận.

Theo Cty Đại Nam, quá trình làm việc trước khi thực hiện thay đổi, bà Hoa được đánh giá không hoàn thành công việc. Ngoài ra, đồng nghiệp cũng cho rằng bà Hoa không phối hợp trong công việc, có thái độ bất hợp tác, gây xung đột và làm ảnh hưởng tới hoạt động của đơn vị cũng như bộ phận khác. Ngày 7.9.2020, bà Hoa nghỉ và vẫn được công ty trả lương đầy đủ để sắp xếp lại công việc và các vấn đề liên quan.

Công ty đã 3 lần gửi yêu cầu bằng văn bản (qua email) tới bà Hoa và yêu cầu bà đi làm trở lại nhưng bà Hoa phản hồi không đi làm và thực tế cũng không tới công ty làm việc.

Cty Đại Nam cho biết, ngày 22.10.2020, công ty gửi thông báo tới bà Hoà về việc xem xét xử lý kỷ luật lao động. Trong đó, công ty yêu cầu bà có mặt tại trụ sở chính vào ngày 28.10.2020 để tham gia cuộc họp xem xét kỷ luật lao động với hành vi "Tự ý bỏ việc quá 5 ngày làm việc cộng dồn trong phạm vi 30 ngày". Bà Hoa nhận được thông báo nhưng không tới tham dự.

Ngày 28.10.2020, công ty họp xử lý vi phạm kỷ luật lao động với bà Hoa với sự tham gia của đại diện Ban chấp hành công đoàn cơ sở và các cá nhân liên quan.

Ngày 29.10, Tổng Giám đốc Công ty ra quyết định về việc thi hành kỷ luật lao động với hình thức sa thải với bà Phạm Kim Hoa. Theo đó, hợp đồng lao động giữa bà Hoa và công ty chấm dứt hiệu lực kể từ ngày 29.10. Quyết định đã được gửi và được bà Hoa tiếp nhận. Sau ngày 29.10, công ty đã hoàn thành việc trả lương và các chế độ khác cho bà Hoa theo quy định của pháp luật.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn