MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Phát cơm từ thiện: Có nên "nhìn mặt mà bắt hình dong"?

Bảo Hân LDO | 13/07/2021 11:11
Mạng xã hội đang bày tỏ bức xúc về clip phát cơm từ thiện kèm lời lẽ phản cảm, cay nghiệt, xúc phạm với những người đến nhận cơm.

Trong clip có cảnh một cụ già gầy hom hem, gãi gãi vài cái khi đến nhận cơm. Người phát cơm từ thiện thấy vậy đã có lời lẽ chê bai, khinh miệt đối với cụ già.

Không chỉ vậy, người này còn từ chối phát cơm cho… người sơn tay, bụi đời. Cùng với những lời lẽ bình luận là cảnh quay cận những “khổ chủ”.

Rất nhiều ý kiến bức xúc, chỉ trích việc quay phim, xúc phạm nhân phẩm người khác qua vẻ bề ngoài như này.

Năm ngoái, dư luận cũng bất bình trước cảnh livestream lấy gạo từ cây ATM gạo miễn phí. Tuy thời gian khác nhau, bối cảnh khác nhau, nhưng bản chất của vụ việc cũng tương tự. Mở đầu clip là cảnh một cô gái còn rất trẻ, ăn vận bình thường, đang cầm túi nilon chuẩn bị lấy gạo từ ATM gạo miễn phí, nhưng bị “nhân viên phát hiện và mời ra ngoài”.

Như để giải thích vì sao bị mời ra ngoài, lời bình luận kèm theo video cho rằng: “Có rất nhiều thanh niên như này đến đây nhận gạo và không được máy phát gạo tuôn gạo ra. Vậy mà vẫn có rất nhiều người cố tình đến để nhận gạo, mặc dù không thực sự là khó khăn”.

Theo tôi, giá trị của một bữa ăn, hay một túi gạo không lớn, nhưng nó mang ý nghĩa rất lớn với những người nghèo, những người “hết gạo chạy rông”. Cuộc sống của họ, bình thường đã rất thiếu thốn, nay dịch COVID-19 ập đến, lại càng khốn khó hơn. Những người nghèo- những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội- rất cần được hỗ trợ kịp thời để họ tồn tại, vượt qua thời gian khó khăn này.

Tấm lòng của những mạnh thường quân đến với người nghèo những lúc này thật đáng trân trọng. Tuy nhiên, người xưa có nói “của cho không bằng cách cho”. Người nghèo dễ mang trong mình mặc cảm, rất dễ bị tổn thương. Cực chẳng đã họ phải đi xếp hàng để có hạt cơm, hạt gạo đặng qua lúc đói lòng, không nên xét nét cách ăn mặc, phương tiện đi lại, hành động của họ, hơn nữa, lại có lời lẽ khinh miệt, xúc phạm, coi thường họ. Làm như vậy, họ chỉ nhận được một chút gạo, cơm, nhưng “đính kèm” là nước mắt, là tổn thương, đau đớn.

Không lẽ phải ăn mặc bẩn một chút mới đủ điều kiện để nhận cơm, gạo? Không lẽ sơn móng tay thì không được nhận gạo? Mỗi người khi phải chường mặt xin hỗ trợ có lẽ đều có những lý do riêng của mình, nhiều khi khó nói, và người ngoài sẽ không bao giờ hiểu thấu đáo được. Vì vậy, không nên "nhìn mặt mà bắt hình dong", rồi từ đó, có những lời lẽ đánh giá khinh miệt, xúc phạm người đến nhận hỗ trợ.

Những nhà tổ chức có thể lo ngại sẽ phát nhầm hỗ trợ tới những người không phải là người nghèo, thực sự cần. Lo ngại đó có thể hiểu được, nhưng, như đã nói ở trên, phải có những lý do nào đó thì họ mới cực chẳng đã phải chấp nhận xếp hàng đi xin hỗ trợ một bữa ăn. Hoặc có thể, họ đi để lấy đồ giúp cho người khác.

Còn nếu trong trường hợp có những người dù không thực sự thiếu thốn vẫn được nhận hỗ trợ?

Mới đây, khi bình luận về Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, ông André Gama, phụ trách chương trình về An sinh xã hội, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho rằng, khi chúng ta tìm cách vượt qua dòng lũ quét do đại dịch COVID-19 mang lại, điều quan trọng là chúng ta phải đứng vững được dựa trên chính các nguyên tắc đoàn kết đã tạo dựng nên xã hội. “Trong quá trình đó, chúng ta nên chấp nhận phương án là sẽ hỗ trợ cả những người mà không cần giúp đỡ, hơn là rủi ro sẽ không hỗ trợ được những người đang rất cần được giúp”- ông André Gama bày tỏ.

Gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng là một gói hỗ trợ vĩ mô, tầm quốc gia, trong khi việc phát suất ăn có thể coi là một “gói hỗ trợ” ở tầm một khu phố, một phường, quận. “Gói hỗ trợ” nhỏ như vậy, khi triển khai, có lẽ cũng nên "chấp nhận" sai số, một sai số mang trong đó sự nhân văn, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 đang tác động đến cuộc sống của mọi người dân, không chừa một ai như hiện nay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn