MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chiếm dụng phí bảo trì chung cư là một trong những nguyên nhân dẫn đến tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân. Ảnh minh họa: Thế Lâm.

Phí bảo trì chung cư: Của chung “om” riêng, bí bách giải pháp

Thế Lâm LDO | 10/11/2020 15:05

Trả lời chất vấn tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết có thể chuyển cơ quan điều tra các vụ chủ đầu tư cố tình vi phạm quĩ bảo trì chung cư.

Theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, hiện cả nước có khoảng 4.400 chung cư thì 10% trong số đó xảy ra tranh chấp, chủ yếu giữa cư dân với chủ đầu tư.

Một con số khác từng được Bộ Xây dựng công bố, tính đến tháng 3.2020, cả nước có khoảng 70 chung cư xảy ra tranh chấp liên quan đến phí bảo trì 2% tập trung chủ yếu ở Hà Nội và TPHCM. Hầu hết nguyên nhân của các vụ việc này là do chủ đầu tư không bàn giao, chậm bàn giao, mới bàn giao một phần phí bảo trì chung cư. Hay nói cách khác, đa phần trong các vụ tranh chấp trên, chủ đầu tư “om” phí bảo trì của chung cư thành của riêng.

Kinh phí bảo trì của mỗi chung cư, ít thì cũng cả chục tỉ đồng, nhiều thì có thể lên đến hàng trăm tỉ đồng, tổng cộng của 70 chung cư có thể lên đến hàng ngàn tỉ đồng.

Đã từng xảy ra một vài vụ chủ đầu tư chiếm đoạt phí bảo trì chung cư của cư dân bị khởi tố, tuy nhiên số vụ bị xử lí hình sự cũng rất hiếm. Còn lại, hầu hết các vụ được giải quyết trong quan hệ dân sự, thiếu sự kiên quyết từ phía các cơ quan chức năng cho nên cứ diễn biến dằng dai, trì trệ, chủ đầu tư từ đó nhờn luật và chây ì, trong khi cư dân thì không có kinh phí để bảo trì, sửa chữa chung cư khi cần.

Trên thực tế, hầu hết các vụ tranh chấp về phí bảo trì cư dân rất muốn cơ quan chức năng nhập cuộc thúc đẩy việc xử lí một cách nhanh chóng và kiên quyết, tránh để tình trạng chủ đầu tư cứ hứa lần hứa lữa đối phó. Thậm chí, cư dân còn muốn đẩy nhanh vụ việc tới cơ quan điều tra để đủ thẩm quyền điều tra sâu làm rõ có hay không xảy ra hành vi chiếm đoạt phí bảo trì chung cư, sử dụng sai mục đích, hay biển thủ…

Không làm mạnh làm nghiêm thì các chủ đầu tư không sợ, hệ lụy là người dân bức xúc nhưng đòi lại kinh phí không được nên buộc phải tụ tập đông người căng băngrôn phản đối chủ đầu tư, gây ảnh hưởng đến trật tự an ninh xã hội.

Nhưng suy cho cùng, việc chuyển sang cơ quan điều tra các trường hợp chủ đầu tư vi phạm về phí bảo trì chung cư dù có mạnh mẽ, kiên quyết thì cũng chỉ là xử lí phần ngọn. Còn cái gốc của vấn đề chính là giao tiền vào tay ai, và ai được nắm quyền chủ tài khoản kinh phí bảo trì thì đến nay vẫn chưa có giải pháp để tháo gỡ, khắc phục.

Các gốc phải xử lí là, khi khoản phí bảo trì chung cư 2% khách hàng đóng vào cho chủ đầu tư, phải làm sao giám sát ngay từ đầu và tách bạch ra khỏi nguồn thu bán hàng của chủ đầu tư để đưa vào một tài khoản riêng được nhiều bên cùng đứng tên chủ tài khoản. Cụ thể, không thể để chỉ duy nhất chủ đầu tư đứng tên chủ tài khoản phí bảo trì để tránh tình trạng “om”, “ngâm”, độc chiếm.

Nhưng ai sẽ đứng tên đồng chủ tài khoản cùng với chủ đầu tư để tránh tình trạng nguồn kinh phí này bị chủ đầu tư chiếm dụng, chiếm đoạt thì vẫn chưa giải được.

Phải giải được cái gốc này của vấn đề thì mới có thể chặn đứng được tình trạng chủ đầu tư chiếm dụng, chiếm đoạt phí bảo trì chung cư.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn