MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Phiền toái khi tìm bạn ở trọ ghép qua mạng xã hội

MINH TÂM LDO | 06/04/2023 17:12

Giá nhà trọ tăng khiến nhiều người cấp tốc tìm người ở ghép để giảm bớt gánh nặng chi phí. Cũng từ đây, những câu chuyện dở khóc dở cười đã xảy ra chỉ người trong cuộc mới thấu hiểu.

Gia tăng nhu cầu ở ghép

Theo khảo sát của PV, giá thuê nhà trọ, căn hộ trên địa bàn thành phố Hà Nội đột ngột tăng cao sau kỳ nghỉ Tết. Đặc biệt, đối với các khu vực gần các trường đại học lớn như quận Thanh Xuân, Đống Đa, Cầu Giấy… giá thuê tăng từ 20-30%. 

Điều này khiến không ít người thuê trọ trong đó có sinh viên phải tìm người ở ghép vì không kham nổi tiền phòng hàng tháng. Do đó, trên khắp các diễn đàn, hội nhóm mạng xã hội, sinh viên và những người thuê trọ liên tục đăng bài tìm người ở ghép. 

Giá nhà trọ tăng, sinh viên đăng thông tin tìm người ở ghép để giảm gánh nặng tiền thuê phòng. Ảnh: Chụp màn hình.

Nguyễn Thanh Hà (sinh viên năm 3, Trường Đại học Thăng Long, Hà Nội) và hai chị họ đang thuê một căn phòng trọ gần trường với giá 3 triệu đồng/tháng. Sau Tết Nguyên đán 2023, chủ nhà thông báo tăng giá thuê thêm 300.000 đồng/phòng/tháng.

Khi chưa tăng giá thuê, trung bình mỗi tháng Thanh Hà phải chi trả số tiền thuê phòng chưa tính điện nước là 1 triệu đồng. Với thông báo này, 3 nữ sinh thuê trọ phải gánh thêm mỗi người 100.000 đồng/tháng. 

Thanh Hà trở thành người giúp việc bất đắc dĩ của bạn cùng phòng. Ảnh: Minh Tâm.

Ngoài tiền bố mẹ hỗ trợ, để có tiền chi trả cho các khoản chi phí, Thanh Hà đã xin làm phục vụ tại một quán cà phê, thu nhập mỗi tháng cũng khoảng 2 triệu đồng. Với số tiền ít ỏi này, nữ sinh cũng phải chi tiêu tiết kiệm mới đủ để trang trải cuộc sống. 

“Hiện tại, mỗi tháng tôi đang phải chi trả 1,5 triệu đồng bao gồm tiền thuê trọ, tiền điện, nước… Tăng thêm 100.000 đồng có vẻ không nhiều nhưng cộng dồn các chi phí khác trong tháng, việc chi trả số tiền này cũng khiến tôi gặp khó khăn” - nữ sinh cho hay.

Bất tiện đủ đường

Sau khi đăng tải bài viết tìm người ở ghép trên mạng xã hội, 3 chị em Hà cùng về một nhà với một người lạ. Tuy nhiên, nhiều bất đồng về quan điểm, lối sống và sinh hoạt khiến mối quan hệ của các thành viên xung đột, thậm chí xảy ra cãi vã nặng nề. 

“Chúng tôi là sinh viên cùng trường nên nhanh chóng thống nhất dọn về chung một nhà. Thời gian đầu, chúng tôi sống với nhau khá vui, nói chuyện với nhau rất thoải mái. Thế nhưng, sau này khi bạn không chịu dọn dẹp, chúng tôi có nhắc nhở nhẹ nhàng vài lần nhưng bạn vẫn không thay đổi” - Thanh Hà kể lại.

 Khi không thể giải quyết các mâu thuẫn, Thanh Hà và bạn cùng phòng đã rơi vào cảnh "đường ai nấy đi". Ảnh: Minh Tâm.

Theo nữ sinh, đỉnh điểm là khi người này rủ bạn bè đến tổ chức nấu ăn và ở lại cả ngày khi chưa có sự đồng ý của các thành viên. Đến khi trong phòng thất lạc đồ đạc, tiền bạc thì xảy ra tình trạng các thành viên nghi ngờ, đổ lỗi lẫn nhau.

Những lúc như vậy, không ai chịu trách nhiệm nhưng hậu quả gây ra thì mọi người phải gánh đủ. Mâu thuẫn chồng chất đến mức không thể hòa giải buộc Thanh Hà phải “mời” bạn cùng phòng chuyển nhà gấp ngay sau khi hết hợp đồng thuê.

Nguyễn Thu Huyền (sinh viên năm 3, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cũng kể chuyện từng phải “đường ai nấy đi” vì thói quen “xài chùa” của bạn cùng phòng mới. 

Cũng rơi vào cảnh giá phòng trọ đột ngột tăng thêm 500.000 đồng/tháng, Thu Huyền phải tìm người lạ trên mạng xã hội ở ghép để tiết kiệm chi phí. Thấy có người cùng quê, dễ tin tưởng, Thu Huyền và người này đã về chung một nhà. Vài tuần sau, nữ sinh nhận ra mình đã tin lầm người. 

“Bạn thường sử dụng đồ cá nhân của tôi không xin phép. Chưa kể, các công việc chung như nấu cơm, rửa bát, quét nhà,... bạn đều không san sẻ. Mặc dù tôi  đã nhiều lần góp ý nhưng mọi thứ vẫn đâu vào đấy” - Thu Huyền nhớ lại. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn