MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một cảnh trong phim Việt Bóng Đè. Ảnh cắt từ phim

Phim Việt “ra biển lớn”: Khi Hai Phượng không còn đơn độc…

Thế Lâm LDO | 16/04/2021 15:00

Cách đây gần 2 năm, thông tin phim Hai Phượng được Netflix mua lại để chiếu tại nhiều quốc gia đã khiến những khán giả ủng hộ phim Việt như chúng tôi rất phấn khởi.

Từ đó tới nay, dù không nhiều nhưng đã có thêm một số phim Việt đi ra thế giới theo nhiều cách khác nhau, song có cùng đích là “ra biển lớn”.

Một thời, điện ảnh Việt rất nhọc nhằn để tìm đường ra quốc tế, và gần như bí đường ra về thương mại mà chỉ qua các kênh dự liên hoan, công chiếu trong các dịp lễ, ngày hội văn hóa theo kiểu đến hẹn lại lên.

Sản phẩm gì cũng vậy, dù là công nghệ, văn hóa giải trí hay giáo dục, sức sống thực sự của nó phải được khẳng định trên thị trường, phải được đối tác, người dùng bỏ tiền túi ra mua. Ở góc độ này, phim Hai Phượng cách đây gần 2 năm đã làm được điều đó.

Sau phim Hai Phượng, một số phim khác như Lật Mặt 4, Thiên Thần Hộ Mệnh, Bố Già.

Và mới nhất, tính đến thời điểm ngày 15.4, theo thống kê của Internet Movie Database, phim Bóng Đè đã được mua và phát hành tại 25 quốc gia.

Có một câu nói nổi tiếng: “Đi nhiều sẽ thành đường”. Phim Việt “ra biển lớn” dù mới chỉ đi trên đường mòn nhưng theo thời gian, với nỗ lực của những nhà làm phim, đã dần có nhiều hơn số tựa phim được mua lại bản quyền để công chiếu ở nước ngoài.

Dù việc “ra biển lớn” của phim Việt chưa thể trở thành một dòng chảy mạnh mẽ, nhưng với tư cách là phim Việt đầu tiên mở màn cho dòng chảy “ra biển lớn”, Hai Phượng không còn đơn độc trong tính toán cũng như bước đi của mình, mà ít nhiều đã có thêm vài bạn đường trong cuộc hành trình ra quốc tế dù có muộn hơn về mặt thời gian.

Nỗ lực của những nhà làm phim tư nhân là không thể phủ nhận. Họ không chỉ làm phim mà còn lo cả về kinh doanh, xuất khẩu văn hóa, cố gắng dần dần giành một “miếng bánh” dù còn bé xíu trên thị trường phim quốc tế.

Trên thực tế, phim Việt và dòng chảy văn hóa Việt “ra biển lớn” đang được sự hỗ trợ rất nhiều của các nền tảng cung cấp dịch vụ phim trực tuyến. Các nền tảng này, bản thân họ cũng gặp một vấn đề là luôn phải tìm kiếm nội dung mới để kịp thời cung cấp cho khách hàng của họ là các khán giả, hàng ngày và hàng giờ. Một nền tảng phim trực tuyến như Netflix, HBO… nếu phim quá cũ, người xem nhanh chán và từ đó họ sẽ dần mất đi sức hấp dẫn của dịch vụ, khách hàng có thể bỏ sang các nền tảng khác.

Ngày nay, các nền tảng phim trực tuyến đã có sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn ở phạm vi trong nước và quốc tế. Netflix không còn vị thế độc chiếm mà phải đấu với các đối thủ khác là Apple TV, Amazon Prime Video. Điều đó cũng cho thấy, cơ hội nhiều hơn và những điểm đến rộng mở hơn cho phim Việt khi “ra biển lớn”.

Netflix mỗi năm phải chi ra từ 8-10 tỉ USD để sản xuất nội dung. Đây là một số tiền khổng lồ nhưng không có nghĩa “một tay choàng hết tất cả”. Họ, cũng như Apple TV, cũng cần nhiều đối tác trong đó có các đối tác cung cấp nội dung, hoặc hợp tác sản xuất.

Tuy nhiên, chơi với các “ông lớn” thì luôn phải theo luật chơi của họ, nhưng qua đó các nhà làm phim Việt cũng có thể học hỏi được nhiều điều, từ cách làm nội dung cho đến cách cập nhật thị hiếu thị trường quốc tế, kiến thức về qui trình sản xuất, marketing sản phẩm…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn