MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu Lê Mạnh Hiên (bìa phải) và bắt tay với người dân thống nhất phương án bàn giao mặt bằng dự án nâng cấp Quốc lộ 7. Ảnh: Hải Đăng

Phó Chủ tịch huyện vận động, hàng chục hộ dân bàn giao mặt bằng

QUANG ĐẠI LDO | 23/11/2023 14:52

Hàng chục hộ dân xã Diễn Phúc (huyện Diễn Châu, Nghệ An) đã đồng ý bàn giao mặt bằng cho dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 7 sau khi được lãnh đạo huyện, xã trực tiếp tuyên truyền vận động.

Vận động dân không kể ngày nghỉ, giờ nghỉ

Ngày 23.11, trao đổi với phóng viên, ông Lê Mạnh Hiên - Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu cho biết đến nay, hàng chục hộ dân trên địa bàn xã Diễn Phúc đã đồng ý bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 7.

“Người dân đã đồng thuận bàn giao thêm 600m nữa, đây là kết quả diễn ra trong khoảng 10 ngày nhưng bằng nhiều tháng trước cộng lại, một bước tiến rất lớn trong quá trình giải phóng mặt bằng dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 7” - ông Lê Mạnh Hiên nói.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu, sau khi ông và đoàn công tác trực tiếp đến từng nhà dân để vận động, người dân đã ghi nhận tâm huyết của cán bộ, đồng thời cũng thấy được nguy cơ dự án bị rút vốn sẽ gây hệ lụy rất lớn, nên nhiều hộ đã đồng ý bàn giao mặt bằng.

Thời gian qua, Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu và đoàn công tác đã đi đến từng nhà dân tuyên truyền, vận động người dân bàn giao mặt bằng. Việc tuyên truyền được tiến hành thường xuyên, không kể ngày nghỉ, giờ nghỉ.

Quá trình vận động, bên cạnh việc tuyên truyền về ý thức, trách nhiệm của công dân với cộng đồng, các thành viên đoàn công tác khẳng định phương án bồi thường, hỗ trợ đã được áp dụng đúng quy định hiện hành, mọi quyền lợi của người dân được bảo đảm, các yêu cầu vượt quá khung chính sách, trái pháp luật là không thể chấp nhận.

Nhà thầu khẩn trương thi công ngay khi được bàn giao mặt bằng. Ảnh: Hải Đăng

“Cán bộ không thể làm sai, vận dụng có lợi cho dân trái luật vì sẽ bị kỉ luật, truy tố. Dự án chậm tiến độ, có thể bị rút vốn, thu hẹp quy mô gây thiệt hại rất lớn. Các trường hợp cố ý không bàn giao mặt bằng sẽ bị cưỡng chế, bảo vệ thi công theo quy định. Đây là quan điểm nhất quán từ lãnh đạo tỉnh đến lãnh đạo huyện, xã. Do đó, người dân đã có sự chuyển biến trong nhận thức, bàn giao mặt bằng” - ông Lê Mạnh Hiên nói.

Nhanh chóng thi công khi có mặt bằng

Theo lãnh đạo huyện Diễn Châu, khi bàn giao mặt bằng, người dân cũng mong muốn nhà thầu nhanh chóng triển khai thi công, không để kéo dài gây ảnh hưởng đến dân.

Ông Nguyễn Quang Huy - Giám đốc Ban Quản lý dự án 4, Cục Đường bộ Việt Nam - chủ đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 7 đoạn Km0 - Km36 qua địa bàn tỉnh Nghệ An, cho biết thời gian qua, cán bộ ban thường xuyên bám sát cùng các huyện để giải phóng mặt bằng.

“Có thêm mặt bằng, chúng tôi chỉ đạo đơn vị thi công triển khai ngay, khẩn trương hoàn thiện các hạng mục để kịp tiến độ đã cam kết” - ông Nguyễn Quang Huy nói và cho biết thêm vướng mắc duy nhất của dự án là mặt bằng.

Như Lao Động đã thông tin, Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 7 đoạn Km0 - Km36 qua địa bàn tỉnh Nghệ An với tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỉ đồng; trong đó giá trị xây lắp là gần 779 tỉ đồng, được chia làm 3 gói thầu. Dự án được khởi công ngày 7.9.2022, dự kiến hoàn thành trong năm 2023.

Tuy nhiên, sau 1 năm thi công dự án mới đạt khoảng 56% giá trị sản lượng, rất chậm so với yêu cầu do vướng mặt bằng.

Nguyên nhân do nhiều hộ dân không bàn giao mặt bằng, đưa ra các yêu cầu, đòi hỏi vượt quá khung chính sách nên địa phương không thể đáp ứng. Dự án đứng trước nguy cơ chậm tiến độ, bị rút vốn, thu hẹp phạm vi triển khai.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn