MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sinh viên thuê phòng trọ có bếp nấu ăn tập trung. Ảnh Chu Trang.

Phòng trọ đột ngột tăng giá, sinh viên chật vật tìm chỗ ở mới

CHU TRANG LDO | 05/10/2022 06:31
Để có thể thuê một căn phòng bình dân, gần trường cao đẳng, đại học, nhiều sinh viên phải bỏ ra số tiền từ 3 đến 5 triệu đồng/tháng.

Đột ngột tăng giá

Thấm thoắt đã 4 năm ở Hà Nội, mỗi tháng, Minh Anh (SN 2001, ở Phú Thọ) mất đến 3 triệu đồng tiền thuê phòng trọ.

Căn phòng Minh Anh thuê rộng 20m2, không có cửa sổ hay ban công. Bên cạnh tiền phòng, sinh viên còn phải đóng thêm tiền điện, nước, vệ sinh... Tiền nước "đồng giá" 100.000 đồng/người, nhưng chủ nhà trọ thu tiền điện lên đến 3.500 đồng/số điện. Tháng 9 vừa qua, chủ nhà trọ thông báo tin "sét đánh": Tăng giá thuê phòng lên 3,5 triệu đồng/tháng.

Minh Anh cho biết: "Tôi cũng không hiểu vì sao giá phòng trọ lại tăng lên, trong khi không hề được tôn tạo, thay đổi. Không chấp nhận được mức giá mới, tôi đã quyết định đi tìm phòng trọ khác phù hợp hơn".

Sinh viên này bắt đầu "hành trình" đi tìm phòng trọ từ việc lần theo thông tin cho thuê trọ đăng tải trên mạng xã hội và còn đi trực tiếp đến các ngõ, ngách. Nhiều nơi treo biển cho thuê nhà, song giá phòng trọ lại cao chót vót.

“Tôi không ngờ việc thuê phòng trọ lại khó khăn như vậy. Dù đã xem trực tiếp rất nhiều phòng, nhưng hầu hết chất lượng phòng đều không xứng với giá mà chủ trọ đề ra. Những căn hộ có diện tích 20 - 25m2 có giá thuê khoảng 4 triệu đồng/tháng. Số tiền đó vượt quá ngân sách cho phép của tôi” – chị Minh Anh cho biết.

Chấp nhận thuê giá cao vì sợ hết phòng ở

Được bố mẹ chu cấp khoảng 5 triệu đồng/tháng, Nguyễn Phương Mai (SN 2004, Nam Định) – tân sinh viên, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội cũng phải cân đối chi phí thuê phòng trọ.

Phòng trọ nhỏ hẹp nhưng có giá thuê 3 triệu đồng/tháng. Ảnh Chu Trang

Ban đầu, sinh viên này tính toán sẽ đăng kí ở kí túc xá, song tại đây đã hết suất nên phải đi tìm phòng trọ ở ngoài.

Để ở gần trường và thuận lợi cho việc học hành, Phương Mai khoanh vùng thuê phòng ở khu vực quận Cầu Giấy. Đặt mục tiêu tìm phòng trọ với mức giá từ 2 triệu – 2,5 triệu đồng/tháng, song nữ sinh này khó lòng tìm được chỗ ở có mức giá trên.

Không còn lựa chọn, Phương Mai phải chấp nhận thuê trọ với mức giá 3 triệu đồng/tháng. Giá trên chưa bao gồm tiền điện, tiền nước, tiền máy giặt, tiền vệ sinh, tiền internet và tiền gửi xe.

“Không hiểu tại sao chủ nhà lại thổi giá thuê trọ lên như vậy song nếu không đồng ý thuê thì tôi không có chỗ để ở. Tốn quá nhiều cho khoản thuê nhà, tôi sợ số tiền được chu cấp là 5 triệu đồng/tháng sẽ không đủ” – nữ sinh này cho biết.

Tương tự, bỏ ra 5 triệu để thuê một căn phòng tầng 2 của dãy trọ gần đường Xuân Thủy (Cầu Giấy), Anh Tuấn (SN 2004, Hòa Bình) – sinh viên năm nhất, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội không hài lòng với chất lượng dịch vụ tại đây.

Trên Facebook, với những lời “gọi mời” của chủ trọ như: Có bình nóng lạnh, có điều hòa, có hành lang thoáng mát, thuận tiện cho việc di chuyển... khiến Anh Tuấn khá ưng ý. Nhưng khi đến nơi, phòng ốc trống trơn, chẳng hề có vật dụng gì.

“Qua quan sát, tôi thấy phòng nhỏ hơn so với giới thiệu rất nhiều. Chủ trọ giới thiệu cho chúng tôi phòng khác rộng rãi hơn, nhưng giá thuê lên đến 5 triệu đồng/tháng” – Anh Tuấn kể.

Bà Phạm Thu Phương - chủ một khu nhà trọ ở đường Tăng Thiết Giáp (Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm) cho biết, thời điểm này có rất nhiều sinh viên đi tìm phòng trọ. Khu nhà trọ với 15 phòng khép kín của bà đã cho thuê kín, song ngày nào cũng có người đến hỏi.

Bà Phương chia sẻ thêm, phòng trọ khá khan hiếm nên nếu sinh viên ưng ý phòng nào nên đặt cọc trước để giữ chỗ ở. Nếu muốn thuê phòng rẻ, đầy đủ tiện nghi thì phải chấp nhận ở xa trường.

Lý giải về việc tăng giá trọ, bà Phương chia sẻ: "Giờ giá cả mọi thứ đều tăng nên tiền trọ cũng tăng. Nhìn chung, giá phòng trọ tăng khoảng 10% so với trước đây. Nếu sợ đắt đỏ, sinh viên có thể rủ nhau ở cùng để giảm chi phí hàng tháng".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn