MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hình ảnh suất cơm của học sinh Tiểu học Thị trấn Yên Viên (Gia Lâm) được phụ huynh chụp lại. Ảnh Phụ huynh cung cấp

Phụ huynh Hà Nội “tố” bữa ăn bán trú của học sinh nghèo nàn

ANH THƯ LDO | 27/03/2019 14:37
Báo Lao Động nhận được phản ánh của phụ huynh trường Tiểu học thị trấn Yên Viên (Gia Lâm, Hà Nội) cho rằng suất cơm bán trú của học sinh khá nghèo nàn thể hiện qua vài lần kiểm tra đột xuất.

Một phụ huynh trường Tiểu học thị trấn Yên Viên (Gia Lâm, Hà Nội) cho biết: “Tôi có con học lớp 2 của trường. Gia đình tôi khá quan tâm đến bữa ăn của các cháu ở bán trú tại đây. Khi kiểm tra đột xuất vào trưa 17.3, tôi nhìn thấy suất ăn của các con khá ít ỏi nên đã chụp ảnh lại”.

Vị phụ huynh này tỏ ra xót xa khi chứng kiến suất ăn cho học sinh bán trú như vậy. Cho nên, ngày 20.3, phụ huynh tiếp tục kiểm tra suất cơm tại trường.

“Nhìn vào suất ăn, phần cơm thì nhiều nhưng định lượng thức ăn khá ít như vài miếng đậu, thịt gà, ít rau và hộp sữa chua Phù Đổng. Chúng tôi sẽ đặt ngay câu hỏi ăn như vậy có đảm bảo đủ dinh dưỡng cho các cháu?”, phụ huynh nói.

Theo phụ huynh này, suất ăn của các cháu là 22.000 đồng. Với giá trị lương thực ở ngoại thành, chúng tôi nghĩ thực phẩm sẽ được đầy đặn hơn.

Từ khi con học tại trường Tiểu học thị trấn Yên Viên tới nay, phụ huynh của lớp cũng không hề được thông báo về việc phụ huynh có quyền đến trường giám sát hoạt động bếp ăn bán trú.

Trao đổi với báo Lao Động, bà Đào Thị Mai - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thị trấn Yên Viên - cho biết, nhà trường ký hợp đồng cung cấp suất ăn bán trú với Công ty Cổ phần suất ăn Hà Nội hơn 10 năm nay. Hiện, nhà trường phục vụ khoảng 1.000 suất ăn cho học sinh bán trú. Bữa ăn của học sinh có giá là 22.000 đồng/ngày gồm 18.000 đồng bữa chính và 4.000 đồng bữa phụ.

Trước những hình ảnh được cho là suất ăn của nhà trường do phụ huynh chụp được, bà Mai cho rằng: “Trong hình ảnh, có học sinh mặc đồng phục của trường. Theo cảm quan, có thể suất ăn trên các cháu đã ăn rồi nên không được nguyên vẹn như ban đầu. Thông thường, suất ăn của trường sẽ đầy đặn hơn. Thực đơn ngày 20.3 gồm: Cơm trắng, 20gr tép biển, 60gr gà, su hào, cà rốt là 65gr, canh bắp cải thịt 28gr, sữa chua Phù Đổng”.

Vị hiệu trưởng này cho biết thêm, xuất phát nhu cầu phụ huynh học sinh, nhà trường tổ chức ăn bán trú. Bữa ăn luôn đảm bảo định lượng, hàm lượng calo cung cấp cho học sinh. Hơn 10 năm chuẩn bị suất ăn cho học sinh, chúng tôi chưa bao giờ nhận được ý kiến phản ánh việc các cháu ăn đói hay thiếu định lượng.

Bên cạnh đó, khi nhà trường kí hợp đồng với công ty, công ty đã có tư vấn dinh dưỡng đảm bảo sức khỏe cho học sinh.

 Bữa ăn chụp ở trường ngày 20.3.

Trao đổi về vấn đề giám sát quá trình chuyển đến và chế biến thực phẩm, Hiệu trưởng trường Tiểu học thị trấn Yên Viên thông tin: “Một ngày luôn có giáo viên và cán bộ xuống kiểm tra, giám sát bếp ăn. Chúng tôi giám sát định lượng tổng thực phẩm mang đến đã đầy đủ hay chưa? Tuy nhiên, với 1000 suất ăn, nhà bếp có thể lúc chia không đều tay giữa các suất.”.

Ngay từ đầu năm học hoặc trong buổi họp phụ huynh học sinh, nhà trường cũng đề nghị các bậc phụ huynh đến trường giám sát đột xuất hoặc báo trước.

Đại diện Công ty Cổ phần suất ăn Hà Nội – nhà cung cấp suất ăn cho trường - lại cho rằng: “Mỗi ngày, công ty phải chia hàng trăm suất ăn, nên không thể tránh việc chia không đều. Vì vậy, có khay nhiều khay ít là khó tránh khỏi”.

Sau đó, đại diện công ty này lại cho biết thêm: “Chúng ta đánh giá thực phẩm dựa trên khoa học bằng định lượng, hàm lượng, calo dinh dưỡng. Các con ăn đủ no, đảm bảo chứ không thể nhìn vào mắt thường mà khẳng định được".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn