MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Phụ huynh trải lòng về áp lực học đường: Cứ mỗi lần thi là con lại bệnh

PHONG LINH LDO | 12/04/2022 17:34
Thời gian gần đây, nhiều vụ việc học sinh bị trầm cảm, tự tử vì áp lực trong học tập đã khiến nhiều phụ huynh có cái nhìn đúng đắn hơn về áp lực học đường…

Mỗi lần thi là con lại lâm bệnh

Trăn trở về nguyên nhân áp lực học đường, phóng viên báo Lao động có dịp trò chuyện cùng chị Hoàng Thị Tuyết Anh (39 tuổi, Cần Thơ) phụ huynh của một học sinh lớp 6 Trường THPT Lương Thế Vinh (quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ).

Chị Tuyết Anh chia sẻ: “Cứ mỗi lần vào kì thi cử là con tôi lâm bệnh. Có lần, cháu còn phải nhập viện cấp cứu vì ôn tập quá căng thẳng. Tôi nói với con thành tích như thế nào cũng được, nhưng cháu cứ tự tạo áp lực cho mình khi đến trường. Tôi cũng không biết làm cách nào. Tôi và gia đình còn dự định đưa cháu đi bác sĩ tâm lí để bé được thoải mái hơn”.

Trong 2 tháng qua, có ít nhất 4 trường hợp trẻ em tìm tới cái chết do áp lực từ việc học hành. Câu chuyện của em học sinh trường chuyên 15 tuổi ở Hà Nội với lá thư tuyệt mệnh mới đây đã khiến nhiều phụ huynh không thể kìm lòng.  

“Đó là chuyện đáng tiếc mà không một ai trong số phụ huynh như tôi mong muốn. Kể từ khi nhận được tin tức đó, tôi rất đau lòng. Nghĩ lại con mình đang sống hạnh phúc trong vòng tay cha mẹ, tôi thấy thương em trai đó nhiều hơn. Vì vậy, rút kinh nghiệm từ những chuyện thương tâm như thế tôi không dám tạo áp lực cho con nữa” - chị Tuyết Anh cho biết thêm.

"Cha mẹ hãy thoải mái với con"

Việc nhiều vụ thương tâm xảy ra đã dấy lên những hồi chuông cảnh báo trong học đường nói chung và tâm lí phụ huynh nói riêng. May mắn, nhiều phụ huynh phần nào giảm bớt sự kì vọng lên con, để con được tự do học tập và rèn luyện.

Chị Tuyết Anh chia sẻ: “Tôi không cần con được điểm tuyệt đối. Kể từ vụ việc đó xảy ra, nếu con đi thi điểm cao, tôi sẽ khen, tuyên dương, thưởng cho đi chơi. Nếu con điểm thấp, tôi sẽ dành thời gian cho bé ngẫm nghĩ quá trình học tập của mình. Tôi khuyên phụ huynh cũng nên dùng cách đấy. Có như vậy, các em mới phát triển toàn diện cả thể chất lẫn tinh thần”.

Theo các nhà nghiên cứu giáo dục, ngày nay, khẩu hiệu giáo dục không còn chỉ là “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” mà còn hướng tới trường học hạnh phúc. Nhưng chúng ta có đang đi đúng hướng đó hay không khi một số giáo viên chạy đua điểm số, học sinh chạy đua thành tích, vẫn còn nhiều phụ huynh gây áp lực cho con?

Đáng nói, áp lực điểm số không chỉ do chính bản thân học sinh tạo nên mà phần lớn nằm ở sự kì vọng của bố mẹ. Bất kì cha mẹ nào cũng muốn con mình học tốt, có thành tích xuất sắc trong học tập. Tuy nhiên năng lực của mỗi người là có giới hạn, do đó, khắc phục nguyên nhân này cũng là cách để gỡ rối cho con. Một nguyên nhân được quan tâm gần nhất là việc học nặng lý thuyết, học quá nhiều môn cùng một lúc trên ghế nhà trường.

Do đó, theo các nhà nghiên cứu giáo dục, phụ huynh nên tự giải quyết khó khăn của chính mình, gạt bỏ cảm xúc tiêu cực trong công việc để dành thời gian cho con, trò chuyện cùng con. Bên cạnh đó, trường học cần hơn nữa những phòng tư vấn tâm lí, tăng cường giáo viên tâm lí để học sinh được cởi mở hơn với thầy cô, để các em có nơi "nương tựa" trong những lúc khó khăn, áp lực.  

Theo nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), khoảng 8-29% trẻ em đang trong độ tuổi vị thành niên ở Việt Nam mắc các bệnh về sức khỏe tâm thần nói chung. Ước tính tại Việt Nam có ít nhất 3 triệu thanh, thiếu niên có các vấn đề về tâm lý. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 20% trong số đó nhận được hỗ trợ y tế và điều trị cần thiết. Vậy, nguyên nhân từ đâu?

Có rất nhiều yếu tố gây nên áp lực trong quá trình học tập. Xác định nguyên nhân này là điều hết sức cần thiết trong cá nhân học sinh, gia đình và nhà trường. Trong đó, điểm số được xem là nguyên nhân hàng đầu gây ra áp lực học tập. Việc đặt mục tiêu quá cao về điểm số đôi khi lại khiến bản thân học sinh cảm thấy stress, thậm chí là trầm cảm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn