MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dày đặc nhà hàng nổi gây ô nhiễm môi trường trên vịnh Vũng Rô. Ảnh: Nhiệt Băng

Phú Yên: Năm 2021, đầm Ô Loan cơ bản sẽ trở về nguyên trạng

Nhiệt Băng LDO | 24/08/2020 08:34

Trả lại hình ảnh cho thắng cảnh quốc gia đầm Ô Loan - quyết tâm của chính quyền tỉnh Phú Yên. Phú Yên dự kiến đến năm 2021, thắng cảnh quốc gia đầm Ô Loan sẽ cơ bản được sắp xếp lại nguyên trạng, không gian đầm thông thoáng, sạch đẹp, phát triển bền vững du lịch và môi trường. 

Đạt được một vài kết quả bước đầu

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Chí Hiến vừa chủ trì cuộc họp về công tác quản lý di tích, thắng cảnh; xử lý các vi phạm lấn chiếm đất đai, mặt nước, xây dựng trái phép và giải pháp phục hồi, phát triển bền vững khu vực Đầm Ô Loan. Theo ông Hiến, việc xử lý tình trạng lấn chiếm mặt nước và không gian ven đầm Ô Loan đã mất khá nhiều thời gian để giải quyết. Tỉnh đã quyết tâm chỉ đạo địa phương thực hiện theo lộ trình và có thời điểm kết thúc.

Cùng với sự vào cuộc của chính quyền huyện Tuy An và các xã ven đầm cùng với sự hỗ trợ tích cực của các sở ngành của tỉnh, đến nay công tác giải tỏa đã đạt được một số kết quả bước đầu. Ông Hiến yêu cầu, đến năm 2021, thắng cảnh quốc gia đầm Ô Loan cơ bản sắp xếp lại nguyên trạng không gian đầm thông thoáng, sạch đẹp để phát triển bền vững. 

Theo ông Bùi Văn Thành - Chủ tịch UBND huyện Tuy An, vừa qua, UBND huyện Tuy An chỉ đạo các địa phương đồng loạt ra quân giải tỏa, thu hồi và tiêu hủy các dụng cụ vây chắn, đánh bắt thủy sản tận diệt trên đầm Ô Loan. Với sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương, đến nay trên 90% vật dụng lấn chiếm trái phép trên đầm đã được thu hồi, tháo dỡ.

Lực lượng chức năng các xã An Ninh Đông, An Hòa Hải, An Hiệp, An Cư đã thu giữ và tiêu hủy 4.173 lờ bóng Thái Lan (công cụ khai thác thủy sản), 3.082 cọc tre, lưới mùng cắm thành que đăng; đồng thời rà soát xác định 119 hồ nuôi tôm trái phép với diện tích 58,44ha và yêu cầu các hộ dân ngừng nuôi vụ 1 năm 2020 để chờ giải tỏa.

Tuy nhiên, việc giải tỏa các vật dụng lấn chiếm và khai thác thủy sản tận diệt trái phép trên đầm Ô Loan còn gặp rất nhiều khó khăn do đây là nghề mưu sinh của phần lớn các hộ dân từ nhiều năm qua. Bên cạnh đó, một số hộ dân không hợp tác với lực lượng địa phương trong công tác dọn dẹp mặt nước đầm, chưa có ý thức cao trong việc tự tháo dỡ.

Mỗi cán bộ phải xem lại trách nhiệm của mình

Đến nay, Sở VHTTDL đã hoàn thành việc cắm mốc giới khoanh vùng khu vực bảo vệ di tích và bàn giao cho huyện Tuy An quản lý. Cơ quan này cũng đang hoàn thiện Quy chế quản lý thắng cảnh quốc gia đầm Ô Loan để trình UBND tỉnh ban hành làm cơ sở quản lý, thực hiện. Đối với dự án trồng rừng ngập mặn ven đầm, Sở NNPTNT đang phối hợp địa phương rà soát thực địa để triển khai các bước tiếp theo của dự án, đồng thời lấy ý kiến các sở ngành liên quan về việc rà soát, điều chỉnh diện tích nuôi trồng thủy sản khu vực Đầm Ô Loan với mật độ, tỉ lệ phù hợp.

Theo đánh giá của UBND tỉnh Phú Yên, thắng cảnh quốc gia đầm Ô Loan có tiềm năng phát triển du lịch rất lớn, nhưng đến nay địa phương vẫn chưa phát huy được hết thế mạnh của thắng cảnh này. Thời gian qua, thắng cảnh đầm Ô Loan bị xâm phạm nặng nề (xây dựng trái phép, lấn chiếm đất đai, thả nuôi sai quy hoạch...), nhất là ô nhiễm môi trường trầm trọng, ảnh hưởng lớn đến môi trường sống và hệ sinh thái trong đầm.

Nguyên nhân chính, mà chính quyền tỉnh Phú Yên thừa nhận là do xuất phát từ sự chồng chéo trong công tác quản lý các quy hoạch liên quan đến thắng cảnh quốc gia đầm Ô Loan và công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng tại địa phương còn lỏng lẻo. Nhiều hộ dân đã lấn chiếm vùng nuôi, xây dựng nhà trái phép trong thời dài, nhưng chính quyền địa phương không xử lý nghiêm. Bên cạnh đó, việc quản lý chất thải ở địa phương chưa chặt chẽ (đặc biệt là  từ các hồ nuôi trồng thủy sản).

Theo lãnh đạo tỉnh Phú Yên, để xảy ra tình trạng nêu trên, lãnh đạo các xã ven đầm cần phải xem lại trách nhiệm của mỗi cá nhân và mức độ hoàn thiện nhiệm vụ được giao. Việc cần thiết trước mắt là phải sớm khôi phục hệ sinh thái thắng cảnh quốc gia đầm Ô Loan cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh. 

Báo Lao Động có đăng bài viết: “Thắng cảnh Phú Yên trước nguy cơ thảm họa môi trường” (số ra ngày 1.10.2018). 2 năm qua, UBND tỉnh Phú Yên đã tổ chức nhiều cuộc họp tỏ rõ thái độ cứng rắn trong xử lý vấn nạn kinh doanh bè nổi trái phép, ô nhiễm môi trường, lấn chiếm đất đai... ở đầm Ô Loan và vịnh Vũng Rô; đồng thời chỉ đạo xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Bên cạnh giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị liên quan, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Phạm Đại Dương còn yêu cầu Sở NNPTNT khảo sát, đánh giá hiện trạng mặt nước đầm Ô Loan để xác định khu vực thuận lợi có thể nuôi tôm tập trung trên đầm và khu vực có điều kiện để trồng rừng ngập mặn (khoảng 5ha), tạo điều kiện sinh tồn và trú ẩn cho các loài thủy sinh... 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn