MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Học sinh Trường tiểu học Cẩm Bình - huyện Cẩm Xuyên- tỉnh Hà Tĩnh đọc báo trong giờ ra chơi - Ảnh tư liệu: DN

Phương pháp học tập hiệu quả với mô hình STÔP

PHAN DUY NGHĨA LDO | 22/01/2022 16:57

“STÔP” làm nhiều người nghĩ là “dừng lại” nhưng trong bài viết này đó là từ khóa thú vị giúp học sinh học tập đạt hiệu quả.

“S” - Say mê

Trong học tập nếu không có sự say mê, yêu thích và niềm vui thì sẽ không đạt được hiệu quả như mong muốn. Vì vậy để học tập đạt kết quả tốt trước hết phải có sự say mê. Khi say mê học tập, người học sẽ học tập một cách thích thú, vui vẻ, sảng khoái, tạo nên nhiều cảm xúc và khi đó người học sẽ chủ động đi tìm và lĩnh hội tri thức, việc học sẽ trở nên thú vị và kiến thức được khắc sâu hơn.

Say mê học tập, người học sẽ không nản chí trước những yêu cầu khó, những thử thách trên con đường chinh phục đỉnh cao của tri thức. Khi vượt qua được một chướng ngại vật, người học lại càng hăng say chinh phục những bậc thang cao hơn để vươn tới chiếm lĩnh những tầm cao mới.

“T” - Tự giác

Học tập là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Bởi thế, để thành công trong học tập, người học phải siêng năng, kiên trì và tự giác. Tự giác học tập là tự mình thực hiện nhiệm vụ học tập mà không cần ai nhắc nhở hay sai bảo. Ở trên lớp, biết lắng nghe bài giảng của thầy cô và ghi chép đầy đủ; đồng thời, tích cực suy nghĩ, thảo luận và phát biểu ý kiến cá nhân; biết tuân thủ nghiêm khắc giờ giấc, kế hoạch học tập và thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ chung của nhóm, tập thể.

Khi ở nhà, tích cực làm các bài luyện tập, tăng cường tham khảo và nghiên cứu tài liệu liên quan đến bài học. Mặt khác, phải xây dựng một kế hoạch học tập rõ ràng, đúng đắn và kiên trì thực hiện kế hoạch ấy.

Tính tự giác trong học tập xuất phát từ ý thức, bản lĩnh và khát vọng của mỗi cá nhân. Biết học không bằng thích mà học. Thích mà học không bằng say mê mà học. Chính niềm say mê sẽ tạo nên tính tự giác, đưa con người đi đến thành công.

“Ô” - Ôn tập

Thực hiện tốt việc ôn tập, hệ thống lại kiến thức đã học là điều kiện quan trọng nhất để người học nắm vững kiến thức mới trên lớp. Việc ôn tập phải thỏa mãn những yêu cầu: không được nhớ máy móc và phải động não suy nghĩ để khái quát hóa, mô hình hóa, sơ đồ hóa,…; phải thấy được cái mới trong những kiến thức đã học; lựa chọn được tài liệu ôn tập phù hợp với năng lực của cá nhân.

Thông thường có bốn hình thức ôn tập như sau: Ôn tập trước khi học kiến thức mới; ôn tập trong quá trình học kiến thức mới; ôn tập theo chủ đề và ôn tập tổng kết.

“P” - Phương pháp

Nếu chỉ “say mê”, “tự giác” và “ôn tập” mà thiếu phương pháp học tập đúng đắn thì kết quả học tập sẽ không được như mong muốn. Vì vậy người học cần phải xây dựng cho mình phương pháp học tập đúng đắn. Để xây dựng phương pháp học tập đúng đắn, người học cần: Tập trung tư tưởng cao độ, tận dụng giờ học trên lớp, phối hợp nhịp nhàng bốn việc: nghe, nhìn, ghi, nói.

Học ngay bài mới kết hợp với ôn bài cũ, tự tái hiện bài một cách tích cực bằng cách không vội mở sách, mở vở đọc lại mà cố gắng tự nhớ dàn bài giảng, những mối quan hệ giữa các phần, những điều cơ bản, tự cho ví dụ, diễn tả sự suy nghĩ của mình theo cách của mình thế nào cho tốt nhất…

 Thường xuyên tự ôn tập, tự hệ thống hóa kiến thức; học kết hợp với hành, có ý thức vận dụng kiến thức vào cuộc sống; ham đọc sách, báo, tài liệu tham khảo, học hỏi bạn. Có kế hoạch học tập hợp lý: giờ nào việc nấy; tranh thủ thời gian, bảo đảm tự học hàng ngày.

Hi vọng từ khóa “STÔP” sẽ giúp các bạn có cách học hiệu quả, đạt thành tích cao trong học tập.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn