MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khu dân cư 2, phường Khương Đình. Ảnh: Hữu Chánh - Hữu Đức

Phường thu 9-10 loại quỹ: Dân cần công khai, minh bạch

NHÓM PV LDO | 17/06/2020 08:31
Mới đây, dư luận xôn xao về bức ảnh chụp là bảng kê các loại quỹ đang được UBND phường Khương Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) triển khai thu của người dân. Không chỉ dừng lại ở một phường, nhiều phường khác trên địa bàn Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh đều có những loại quỹ tự nguyện.

“Không để ý là khoản gì”

Theo danh sách thu của UBND phường Khương Đình, có 9 loại quỹ tự nguyện, trong đó 6 loại quỹ là quỹ tổ dân phố, quỹ vì trẻ thơ, quỹ nhân đạo từ thiện, quỹ tình nghĩa, quỹ khuyến học, quỹ người cao tuổi vừa được thu. Bên cạnh đó, 3 loại quỹ còn lại là quỹ vì người nghèo, quỹ vì biển đảo Việt Nam, quỹ lễ Đình Gừng để trống được thu trước đó. 

Là một trong những hộ gia đình đã đóng tiền vào các quỹ tự nguyện, chị Phạm Thị Hiền (ở khu dân cư 2, phường Khương Đình) cho biết: “Tôi chẳng để ý đó là khoản gì (những quỹ tự nguyện - PV), chỉ thấy tổ trưởng vào thu thì đóng. Bảo là tự nguyện, đóng bảo nhiêu cũng được nhưng ở đây vẫn ấn định 100.000-200.000 đồng”.

Tương tự, cô Nguyễn Thị Chiển (cũng ở khu dân cư 2) chia sẻ: “Danh sách này được mang đến tất cả nhà dân, phần lớn người dân đều nộp”. Nhà cô Chiển đóng góp vào 5 quỹ tự nguyện với số tiền là 100.000 đồng.

Người dân phản ánh, khi đóng vào các quỹ này, có người dân vui vẻ, có người thắc mắc.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Việt - Tổ trưởng tổ dân phố 3, phường Khương Đình - cho hay, chủ trương của các quỹ tự nguyện trên từ phường triển khai xuống tổ dân phố. Mới đây, tổ triển khai thu 5 quỹ tự nguyện nhưng chưa thu được nhiều. “Có người tự nguyện đóng và cũng có hộ không đóng các quỹ này. Có những gia đình đóng 100.000 đồng, nhà có điều kiện hơn đóng 200.000 đồng. Chủ trương của chúng tôi là không thu những nhà hoàn cảnh khó khăn, nghèo, cận nghèo” - ông Việt nói.

Trước đó, tổ đã hoàn tất thu quỹ vì người nghèo, quỹ vì biển đảo Việt Nam. Sau khi thu xong các quỹ tự nguyện này, toàn bộ số tiền được tổ dân phố nộp cho Phòng Mặt trận Tổ quốc ở UBND phường.

Trao đổi về quỹ lễ Đình Gừng vì sao thực hiện thu khi năm nay không tổ chức lễ hội, ông Việt nói rằng: “Về quỹ Đình Gừng, bà con con tự nguyện đóng góp, có người 5.000 đồng hoặc 10.000 đồng... Sau Tết Nguyên đán, chúng tôi thu được 6.740.000 đồng. Sau dịch COVID-19, không tổ chức hội nữa, nên chúng tôi thống nhất với Phòng Mặt trận Tổ quốc sẽ bảo lưu lại số tiền này và sử dụng cho năm sau. Đồng nghĩa với việc sang năm không thu nữa”.

Theo ông Việt, các quỹ tự nguyện này do phường quản lý và được công khai. Ví dụ, quỹ vì người nghèo để ủng hộ những hộ khó khăn.

Sinh sống tại phường Đại Kim (Hà Nội), anh P.X.H (tổ 19) cho hay, mỗi năm tổ trưởng đều đến các hộ gia đình thu quỹ tự nguyện. Cũng khá nhiều các loại quỹ, tổng số tiền mỗi gia đình đóng góp khoảng 50.000-60.000 đồng. “Việc thu này chỉ có kí nhận và không rõ sẽ chi tiêu vào những khoản gì. Tuy nhiên, cuối năm học, các cháu có giấy khen học sinh giỏi sẽ được thưởng hay ngày 1.6 đều được tổ chức... Ở đây, người dân mong muốn phía phường công bố, minh bạch các quản thu-chi, dùng vào việc gì. Từ đó, việc đóng góp của người dân vào các khoản này thấy phù hợp hơn” - anh H nói. 

Cải tiến hình thức đóng góp

Tại TPHCM, anh Huỳnh Công Vinh (50 tuổi, khu phố 1, phường 22, quận Bình Thạnh, TPHCM), cho biết, vừa qua, tổ trưởng tổ dân phố đến nhà anh thu tiền quỹ hằng năm nhưng không nói rõ gồm những khoản thu gì. Khi anh Vinh thắc mắc, người này chỉ đưa ra danh sách những người đã nộp trước đó với số tiền 140.000 đồng/hộ/năm để... làm mẫu. Anh Vinh không đồng ý đóng. “Lâu nay, chúng tôi chỉ thấy đầu vào (thu tiền) chứ không thấy đầu ra (chi tiền) cụ thể ra sao. Năm nào người dân cũng phải đóng nhưng đều rất mù mờ về các khoản thu chi vì không thấy công khai” - anh Vinh bức xúc.

Về việc này, ông Lê Văn Quang - Chủ tịch UBND phường 22 (quận Bình Thạnh) - khẳng định, không có việc tổ trưởng tổ dân phố lợi dụng quyền hạn để tư lợi vì mọi vấn đề thu chi đều xuất trình hóa đơn hoặc xác nhận của người dân trong danh sách có đóng dấu của ủy ban phường. Theo luật mới, mỗi hộ dân chỉ đóng một khoản quỹ bắt buộc là quỹ phòng chống lụt bão với số tiền 15.000 đồng/người/năm. Ngoài ra, có năm khoản quỹ khác đều là quỹ vận động nên không bắt buộc người dân phải đóng.

Ông Cao Thanh Bình - Phó ban Kinh tế ngân sách HĐND TPHCM - cho rằng, cần phải minh bạch, rõ ràng trong việc thu chi các loại quỹ vì nếu cứ mập mờ thì không biết đường nào mà quản. “Vận động người dân nộp tiền mà người dân không biết tiền mình nộp được sử dụng ra sao là điều không nên” - ông Bình nói.

Theo ông Bình, cần xem xét cải tiến hình thức triển khai thu vận động đóng góp. Trước khi ban hành kế hoạch thu quỹ, nên lấy ý kiến của người dân là nên thu quỹ nào, không nên thu quỹ nào.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn