MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Quan điểm của người trẻ về việc nên giỏi một nghề hay biết làm nhiều nghề

Phương Thảo LDO | 09/03/2023 11:25

Nhiều lao động trẻ khi được hỏi: “Nên giỏi một nghề hay biết làm nhiều nghề?” đều cho những ý kiến khác nhau. Nhưng số đông hiện nay đang có xu hướng làm nhiều việc cùng lúc, ai cũng có ít nhất 1 nghề tay trái. 

Xuất phát điểm là một nhân viên content marketing, tuy vậy, chị Bùi Huyền (24 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) đang chuyển hướng sang làm công việc truyền thông nội bộ. Công việc hiện tại của chị Huyền là nhân viên truyền thông cho một công ty startup với mức lương khởi điểm là 10 triệu đồng/tháng.

Chị Huyền tìm thấy niềm vui trong công việc hiện tại và chỉ gắn bó với công việc này. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Thời gian trước, chị Huyền cũng có nghề tay trái bên cạnh công việc chính như viết content thuê, mỗi tháng chị Huyền có thêm từ 3-4 triệu đồng.

Làm được vài ba tháng, chị Huyền nhận thấy bản thân chị không quá đam mê với nghề content. Hơn nữa, sức khỏe và tinh thần của chị Huyền cũng bị giảm sút với cường độ làm việc có thể đến 14 tiếng/ngày.

Chị Huyền chỉ thực sự tìm thấy công việc thích hợp sau khi chị tạm dừng những công việc trước đó lại, dành thời gian để lắng nghe bản thân muốn có một công việc như thế nào. Công việc hiện tại mang đến cho chị cơ hội nghề nghiệp tốt hơn mà chị đang định hướng: trở thành một chuyên viên truyền thông nội bộ.

Chỉ tập trung vào công việc hiện tại và mức lương sẽ không thể dư dả như khi làm 2-3 công việc cùng một lúc, thế nhưng chị Huyền cảm thấy tinh thần rất phấn chấn mỗi ngày đi làm, chị cũng có nhiều thời gian phát triển kỹ năng chuyên môn để làm tốt công việc hơn. 

“Tôi tin rằng “một nghề cho chín còn hơn chín nghề”, làm tốt một nghề duy nhất đồng nghĩa với việc thực sự giỏi nghề đó, từ đó cũng yêu thích và đam mê với nghề hơn, cơ hội thăng tiến sẽ cao hơn” - chị Huyền nói.

Tương tự, anh Nguyễn Duy Sơn (27 tuổi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: “Hãy giỏi một thứ trước khi giỏi nhiều thứ”.

Từng mang tư duy “việc gì cũng biết” để rồi nhận ra bản thân không thực sự giỏi việc nào, anh Sơn từ bỏ luôn việc vừa làm trợ lý bác sĩ nha khoa kiêm luôn vị trí marketing cho phòng khám.

Để ước mơ có riêng một phòng khám nha khoa ở quê hương, anh Sơn tập trung đầu tư vào công việc làm bác sĩ nha khoa. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Mong ước mở phòng khám nha khoa ở quê, vì thế anh Sơn không ngần ngại nhảy việc để thử sức với nhiều môi trường mới và đăng ký học thêm chuyên môn.

Dù không tiết lộ về mức lương hiện tại, anh Sơn cũng bật mí rằng với công việc đang là một bác sĩ nha khoa tại phòng khám tư nhân thì thu nhập anh nhận lại được còn cao hơn so với những công việc ngày trước anh làm cộng lại.

Còn anh Nguyễn Quang Trường (25 tuổi, quận Hoàng Mai, Hà Nội), do chưa đủ điều kiện tốt nghiệp vì nợ môn nên gần 2 năm nay, anh Trường vẫn chưa thể cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp. 

Cuộc sống của anh Trường vốn đã gặp nhiều khó khăn từ sau khi mẹ mất, anh cùng với bố trở thành lao động chính của gia đình. Để có thể đỡ đần bố phần nào, vừa phải kiếm tiền trả nợ môn và trang trải cuộc sống hàng ngày, anh Trường cũng nhận không ít việc.

Ban ngày, anh Trường làm việc cho một công ty thiết kế và thi công nội thất, đến tối, anh trở về làm shipper. Ngoài ra, anh Trường cũng nhận thêm việc thiết kế theo yêu cầu, anh sẽ tranh thủ làm vào giờ nghỉ trưa.

“Làm được đến đâu hay đến đó. Biết là làm nhiều như vậy sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe về sau, nhưng hiện tại tôi ưu tiên kiếm tiền nên bất cứ việc gì có thể tạo ra thu nhập tôi đều sẵn sàng làm” - anh Trường nói.

Anh Trường cũng cho hay, thu nhập từ những công việc trên đã giúp anh có thêm 6 triệu đồng để tiết kiệm, “hằng tháng tôi gửi về cho bố 8 triệu là sinh hoạt phí cho gia đình”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn