MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lao động chuẩn bị hồ sơ để xin việc. Ảnh: Lương Hạnh.

Quan điểm trái chiều về việc viết đơn xin việc hay đơn ứng tuyển

MINH HỒNG LDO | 17/07/2023 06:37

Nhiều bạn đọc bày tỏ quan điểm trái chiều trước vấn đề viết "đơn xin việc" hay "đơn ứng tuyển" sẽ hợp lí hơn khi người lao động ứng tuyển vào vị trí mong muốn trong các công ty, doanh nghiệp.

Đã từng tham gia ứng tuyển ở nhiều vị trí công việc khác nhau, anh Nguyễn Long (sống tại quận Long Biên, Hà Nội), hiện đang là nhân viên sáng tạo nội dung quảng cáo cho một doanh nghiệp tại Hà Nội. Theo anh Long, một trong những điều khó khăn khi làm hồ sơ là viết đơn xin việc phù hợp với từng công ty.

Anh Long cho rằng, với mỗi công ty, doanh nghiệp, lại đòi hỏi một mẫu đơn xin việc khác nhau. Bên cạnh đó, mặc dù “đơn xin việc” và “đơn ứng tuyển” đều mang chung một ý nghĩa, nhưng hiện nay đã có sự phân biệt rõ ràng hơn dựa vào hình thức trình bày.

Anh Long cho rằng, mỗi môi trường làm việc khác nhau, nhà tuyển dụng sẽ yêu cầu những mẫu đơn xin việc khác nhau.

Trong môi trường làm việc truyền thống, đơn xin việc gần như bắt buộc và thường tập trung vào việc miêu tả kỹ năng, kinh nghiệm, học vấn. Còn tại các công ty start-up (khởi nghiệp), môi trường năng động hơn, đơn xin việc thường yêu cầu phải đánh giá được sở thích, giá trị cá nhân với doanh nghiệp. Những thông tin này đều phải có "người tham chiếu", tức là lãnh đạo trực tiếp của người lao động ở công ty cũ.

"Tôi đã có thời gian xin việc ở công ty nhà nước. Chỉ một lá đơn xin việc, tôi cũng mất 3-4 lần sửa đi, sửa lại. Tôi cảm thấy rắc rối và mất rất nhiều thời gian" - anh Long tâm sự.

Anh Long cho rằng, viết đơn xin việc là hạ thấp vị trí người lao động. Ảnh: Minh Hồng.

Trong khi đó, chị Hồng Minh (Cầu Giấy, Hà Nội), hiện đang làm tại một nhà xuất bản sách tại Hà Nội cho rằng, bản chất đi làm là việc thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động. Đó là sự công bằng giữa hai bên.

Sử dụng từ "xin" trong "đơn xin việc" cho thấy người lao động đang mắc kẹt trong tình trạng không có việc làm và đang nỗ lực xin việc.

"Từ "xin việc" khiến vị thế người lao động bị giảm đi. Trong khi đó, tôi cần công việc, còn công ty cũng cần nhân sự để làm việc. Đây không phải cơ chế xin - cho để được làm việc mà là sự thỏa thuận công bằng, có lợi đôi bên" - chị Minh cho hay.

Tuy nhiên, chị Minh cũng khẳng định, bản thân người lao động cũng cần phải có năng lực làm việc để ứng tuyển vào vị trí công việc. Khi người lao động chứng minh được năng lực, hiệu quả công việc đem lại cho công ty thì vị thế của họ sẽ ngang hàng với công ty, doanh nghiệp đó.

Bày tỏ quan điểm trái ngược, bạn đọc Hoàng Huy Du bày tỏ, nếu lao động đang ở thế "yếu" thì viết "đơn xin việc" là chuyện hết sức bình thường.

"Nếu chưa làm được việc lại có tính tự ái cao, rất khó để công ty, doanh nghiệp tuyển bạn vào làm việc. Bạn chỉ cần giỏi chuyên môn, lúc đó các công ty sẽ mời về làm không cần phải đi xin việc hay ứng tuyển vào làm việc" - bạn đọc Huy Du viết.

"Mang cái tôi quá lớn vào doanh nghiệp sẽ khiến công ty, lãnh đạo không muốn nhận nhân viên như vậy. Đôi khi từ "xin" không có nghĩa là xin xỏ, xin cho... mà còn là cách nói lịch sự, cầu tiến. Vả lại, nếu người lao động cứ cân đo, đong đếm, phân tích vị thế là xin việc hay ứng tuyển thì chắc chắn sẽ mãi thất nghiệp, khó phát triển hơn nữa trong sự nghiệp. Đừng mất thời gian vào những tiểu tiết này!" - bạn đọc Bùi Đức Anh viết.

Bạn đọc có thể bày tỏ quan điểm về vấn đề này bằng cách gửi email về Báo Lao Động: toasoan@laodong.com.vn

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn