MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngôi biệt thự hiếm hoi còn nguyên vẹn ở Hà Nội đã bị phá hủy toàn bộ để xây thành chung cư?!

Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội: Cách xử lý không thể hiểu nổi

Vương Hà LDO | 13/05/2016 11:33
Trong thư ngỏ gửi Bí thư, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, các hộ dân ở ngõ 2, phố Hàng Chuối tố cáo những dấu hiệu không bình thường quanh việc việc phá ngôi biệt thự để xây chung cư mini. Nhằm làm rõ thông tin này, chúng tôi đã đề nghị gặp lãnh đạo quận cũng như phòng đô thị quận Hai Bà Trưng, nhưng rất tiếc đã bị chối từ. Tuy nhiên, theo những gì chúng tôi tìm hiểu, có những dấu hiệu rất không bình thường.

Tố cáo từ lâu nhưng quận không hồi âm

Trao đổi với chúng tôi, người dân ở đây cho biết, họ hy vọng thông qua báo Lao Động, đơn thư của họ với hình thức Thư ngỏ, mới tới được tay Bí thư thành ủy Hoàng Trung Hải và Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung. 

Người dân lý giải, trước đó đã gửi đơn thư tố cáo tới UBND quận Hai Bà Trưng nhưng chính quyền không có bất cứ hồi âm nào.

Nội dung thư ngỏ cho biết: Phía trong cùng của ngõ cụt này là căn biệt thự xây dựng trước năm 1954, xây trên diện tích 734 m2. Đầu năm 2013, căn biệt thự này bị phá dỡ một cách gấp gáp, nhanh gọn tới mức chính quyền phường Phạm Đình Hổ lúc đó cũng không biết. 

Sau khi phá biệt thự, chủ đầu tư có một lần duy nhất gặp bà con khối phố và nói sẽ “xây một ngôi nhà để ở” và được người dân chấp thuận. Nhưng thật bất ngờ, cuối năm 2014, họ lại thấy chủ đầu tư ở đây được phép xây chung cư có 7 tầng nổi, 2 tầng chìm và 1 tầng tum kỹ thuật, bố trí khoảng 40 căn hộ khép kín. Vì vậy, tất cả dân cư ở khu này đều bất bình và không thể đồng ý.

 

 Chung cư tương lai này (chềnh ềnh trong ngõ hẹp, cụt ở ngõ 2 phố Hàng Chuối) sẽ thay thế tòa biệt thự cổ.

Thư ngỏ nêu rõ: “khó hiểu” là tại sao chính quyền cấp quận lại bỏ qua việc tự ý phá biệt thự, và rồi lại cấp phép cho xây chung cư tại một con ngõ cụt? Lo lắng vì nếu thêm một số lượng người sống ở ngõ cụt thì không hiểu cơ sở hạ tầng hiện có (như điện, cấp nước, thoát nước, đường đi lại..) sẽ chịu được không? Nguy hiểm hơn một khi bất thường xẩy ra cháy nổ, hậu quả sẽ khôn lường!” 

Thư ngỏ nêu tiếp, trước sức ép của công luận (một số báo đã viết bài, trong đó Lao Động đăng tải bài: “Từ biệt thự biến thành chung cư” từ tháng 10.2015) và yêu cầu của dân, công trình đã tạm dừng từ cuối năm 2015. Tuy nhiên, cuối tháng 3.2016 công trình lại tiếp tục thi công. 

Vì lẽ đó thư ngỏ đưa ra ba kiến nghị: Một, lãnh đạo thành phố cho thanh tra, kiểm tra làm rõ việc chuyển đổi sở hữu biệt thự từ nhà nước sang tư nhân có gì khuất tất hay không. Hai, riêng việc chủ đầu tư tự phá dỡ biệt thự là sai, phải được xử lý đúng quy định của pháp luật. Ba là, UBND TP cho dừng việc xây dựng chung cư tại địa điểm này. Điều chỉnh lại quy mô xây dựng cho phù hợp với cơ cơ hạ tầng của một ngõ cụt nằm ở khu đông dân cư.

Chính quyền quận bất hợp tác với báo chí

Nhằm có thông tin hai chiều, chúng tôi đã chuẩn bị một số câu hỏi để làm việc với cơ quan chức năng. Tuy nhiên, khi gọi điện tới ông trưởng phòng đô thị quận thì được trả lời: Phải có ý kiến của lãnh đạo quận thì mới tiếp nhà báo. 

Chúng tôi lại gọi điện đến ông Phong – Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng. Trong hai ngày đầu tiên, mỗi ngày tôi gọi một cuộc, và sau mỗi cuộc gọi không có đáp từ, tôi đều nhắn tin mong, nếu không trả lời được thì cũng nhắn tin giúp. Tuy nhiên, đều vẫn không một dòng tin nhắn trả lời. 

Đến ngày thứ ba, ngay đầu giờ sáng tôi gọi, rất may ông Phong đã nhấc máy. Nhưng tôi lại phải thất vọng vì ông Phong cho rằng, tôi không thể chỉ đạo phòng đô thị tiếp anh được. Sau một phút trao đổi, thuyết phục ông chủ tịch quận, tôi nhận được câu trả lời: Tôi không nói chuyện với anh nữa!!

Tôi kiên nhẫn chờ thêm một ngày, hy vọng ông Chủ tịch quận đổi ý, tuy nhiên, tuyệt nhiên không. Do đó, buộc lòng tôi phải để lại một số câu hỏi vốn để dành cho ông Chủ tịch quận và các cơ quan chức năng. Do đó, những câu hỏi này hiện vẫn bỏ ngỏ, chắc phải nhờ đến lãnh đạo UBND TP. giải đáp giúp. 

Những nội dung câu hỏi này đưa ra vấn đề gì? Thứ nhất, ngôi biệt thự ở địa chỉ số 7 ngõ 2, phố Hàng Chuối đó có thuộc loại bảo tồn không? Việc phá ngôi biệt thư đó có được phép không? Nếu họ tự phá không đúng quy hoạch, thì đã xử lý hành vi đó chưa?

Thứ hai, việc cấp phép xây dựng một tòa nhà to như vậy (mà người dân cho rằng đó là chung cư) liệu có đúng với quy hoạch, liệu có làm nặng nề hơn nơi mà dân số đã đang quá tải so với cơ sở hạ tầng ở 4 quận nội thành cũ không?

Thứ ba, cũng là biệt thự, ở ngay số 10 Hàng Chuối tại sao dân chỉ xin sửa chữa mà khó đến vậy (Lao động đăng tải bài: “Có xử lý kiểu “dồn” dân đến đường cùng?” ra ngày 6.5.2016)? Và cũng trong tòa biệt thự ở số nhà 10 này, nhà thì được cấp phép xây mới, nhà thì không. Vậy đâu là công bằng giữa các hộ dân? Lẽ nào, việc cấp giấy phép này phụ thuộc vào sự “ban ơn” của chính quyền?

Cuối cùng, đâu là sự khác nhau giữa biệt thự ở ngõ 2, phố Hàng Chuối và biệt thự ở số 10 cùng dãy phố? Ngôi biệt thự ở ngõ 2 còn nguyên vẹn rất hiếm hoi ở Hà Nội lại bị phá toàn bộ không thương tiếc. Một biệt thự không còn hình hài lại nửa giữ, nửa không. Không ai có thể hiểu, trừ… chính quyền quận.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn