MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Quán xá đóng cửa: Nhiều người lao động chủ động về quê hoặc tạm chuyển nghề

Minh Phương LDO | 26/05/2021 14:12
UBND TP.Hà Nội đã có công điện khẩn tạm dừng các hoạt động quán ăn, uống tại chỗ, đồng thời dừng các dịch vụ làm đẹp, cắt tóc để phòng, chống dịch. Trước tình hình này, hàng loạt cửa hàng, quán cắt tóc đã phải đóng cửa khiến cuộc sống của nhiều người rơi vào cảnh khó khăn vì mất việc và thu nhập giảm sút.

Tạm đóng cửa hàng vì chi phí tốn kém

Từ ngày 25.5, hàng loạt cửa hàng kinh doanh ăn uống đã gấp rút cho nhân viên lau chùi, dọn vệ sinh và tạm dừng hoạt động.

Anh Tuấn Anh (quê Phú Thọ) - nhân viên cửa hàng bít tết trên phố Tô Hiệu (quận Cầu Giấy) đang tranh thủ dọn dẹp cửa hàng để về quê.

Chia sẻ với PV, chị Nhung (36 tuổi) - chủ cửa hàng bít tết trên đường Tô Hiệu (quận Cầu Giấy, Hà Nội) - nói, đây không phải lần đầu các cửa hàng phải đóng cửa để phòng dịch theo yêu cầu của thành phố. Mặc dù quán ăn được phép mở cửa bán mang về nhưng chi phí bỏ ra tốn kém, không đủ tiền trả lương cho nhân viên và mặt bằng nên chị Nhung quyết định sẽ đóng cửa.

Sau khi nhận được thông báo, chị Nhung đã chủ động cho nhân viên dọn dẹp, lau chùi trước khi đóng cửa quán. “Dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, người dân hạn chế ra ngoài ăn uống nên tôi chấp nhận đóng cửa, vừa để phòng, chống dịch và giảm thiểu chi phí trong mùa dịch. Trước tình hình này, đóng cửa, tạm dừng hoạt động là giải pháp tốt nhất cho cửa hàng rồi” - chị Nhung cho hay.

Chấp nhận tạm dừng hoạt động để phòng chống dịch bệnh, ông Nguyễn Đức Hiếu - chủ một cơ sở kinh doanh đồ ăn trên phố Tống Duy Tân (quận Hoàn Kiếm) - đã treo biển chỉ bán mang về trước cửa hàng để hạn chế tụ tập, tiếp xúc đông người.

Trên phố Tống Duy Tân (quận Hoàn Kiếm), ông Nguyễn Đức Hiếu đang treo thông báo “chỉ bán mang về” để chung tay chống dịch.

Ông Hiếu nói, nhận được thông báo tạm dừng hoạt động ăn uống tại chỗ, ông đã nhanh chóng chuẩn bị các biển thông báo để thực hiện quy định của thành phố.

Mặc dù, việc đóng cửa sẽ ảnh hưởng đến thu nhập, doanh thu bán mang về sẽ giảm đáng kể so với phục vụ tại chỗ, nhưng vì tình hình dịch bệnh còn phức tạp nên ông Hiếu cho rằng, đây là hành động cần thiết trong thời điểm hiện tại.

Ông Hiếu kể, trong lúc dịch bệnh khó khăn, ai cũng mong có công việc ổn định. Nhưng từ lúc biết tin, một số nhân viên trong quán đã chủ động xin nghỉ về quê.

"Nếu ai khó khăn quá, không về quê thì gia đình tôi sẵn sàng tạo điều kiện cho họ ở lại làm việc. Dù chi phí thuê mặt bằng và lương cho nhân viên sẽ rất tốn kém, nhưng những lúc này, đồng lòng giúp đỡ nhau vượt qua dịch bệnh mới quan trọng” - ông Hiếu chia sẻ.

Nghỉ cắt tóc, chuyển sang nghề giao hàng

Làn sóng COVID-19 thứ 4 trở lại, các quán cắt tóc phải đóng cửa phòng dịch, đồng thời nhân viên cắt tóc rơi vào tình trạng thất nghiệp, nhiều người phải tìm công việc khác để “cầm cự” qua mùa dịch.

Anh Trần Văn Anh (23 tuổi, quê Nam Định) - nhân viên cắt tóc - cho hay, thời gian chưa có dịch, tiền lương của anh cũng đủ nuôi bản thân. Nhưng giờ cơ sở không hoạt động, anh phải tìm cho mình công việc khác để có thu nhập trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày.

Dịch COVID-19 ảnh hưởng, anh Văn Anh phải tạm dừng công việc cắt tóc để kiếm một công việc mới. Ảnh chụp trước khi cửa hàng cắt tóc đóng cửa

Anh Văn Anh cho hay, đây là lần thứ 4 dịch COVID-19 bùng phát do vậy anh đã có kinh nghiệm trong việc tìm kiếm công việc khác để trang trải cuộc sống. Thời gian trước, anh Văn Anh đã xin làm shipper cho một ứng dụng công nghệ, vì vậy, sau khi tiệm cắt tóc đóng cửa, anh quyết định sẽ khởi động lại ứng dụng và nhận giao hàng cho khách.

"Đây là tình hình chung nên tôi cũng không bỡ ngỡ lắm, bây giờ đi ship hàng được đồng nào hay đồng đó. Chi phí tiền trọ và sinh hoạt ăn uống hằng ngày đắt đỏ, không đi làm sẽ không có tiền chi tiêu. Tôi hy vọng, dịch bệnh sẽ nhanh qua để cuộc sống người dân trở về trạng thái bình thường” - anh Văn Anh nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn