MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự án Quảng trường và Tượng đài Đinh Tiên Hoàng đế có tổng mức đầu tư 1.543 tỉ đồng. Ảnh: DIỆU ANH

Quảng trường 34ha và tượng đài 1.543 tỉ sau hơn 10 năm vẫn dở dang

DIỆU ANH LDO | 11/05/2020 11:30

Dự án Quảng trường và tượng đài Đinh Tiên Hoàng Đế (thành phố Ninh Bình), có tổng mức đầu tư 1.543 tỉ đồng. Sau hơn 10 năm triển khai, đến nay dự án vẫn dang dở.

Theo tìm hiểu của phóng viên, dự án Quảng trường và tượng đài Đinh Tiên Hoàng Đế được khởi công xây dựng từ năm 2009 do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ninh Bình làm chủ đầu tư; với tổng diện tích 34,23 ha, gồm các hạng mục chính: Khu dịch vụ và bãi đỗ xe 2 ha; Khu tượng đài và sân lễ hội 9,64 ha; Khu quảng trường 10,23 ha; Hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật: 11,61 ha... Tổng mức đầu tư dự án là 1.543 tỉ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước  và các nguồn huy động hợp pháp khác.

Tháng 10.2013, dự án được bàn giao cho UBND thành phố Ninh Bình làm chủ đầu tư. Dự án được đầu tư xây dựng với mục tiêu hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội (năm 2010); đồng thời, xây dựng khu trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng quy mô lớn, đáp ứng các hoạt động văn hóa của tỉnh Ninh Bình, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc truyền thống văn hóa, lịch sử vùng Cố đô - Hoa Lư.

Tuy nhiên, đến nay sau hơn 10 năm triển khai xây dựng, dự án nghìn tỉ này vẫn đang chậm tiến độ, nằm “đắp chiếu” trong thời gian dài, nhiều hạng mục đang có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng.

Khu vực sân Tượng đài Đinh Tiên Hoàng Đế vẫn ngổn ngang gạch đá. Ảnh: Diệu Anh

Ngày 8.8.2018, UBND tỉnh Ninh Bình đã có văn bản số 450/VP – UBND thông báo về phương án điều chỉnh thiết kế hạng mục cổng, tường thành và bãi đỗ xe, thuộc dự án xây dựng Quảng trường và Tượng đài Đinh Tiên Hoàng Đế.

Trong đó, giao UBND thành phố Ninh Bình nghiên cứu, điều chỉnh phương án thiết kế toàn bộ khu vực phía sau tượng đài Đinh Tiên Hoàng (nếu cần thiết thì đề xuất điều chỉnh một số hạng mục khu vực tượng đài và sân lễ hội của quảng trường), đảm bảo cơ sở lịch sử, khoa học và thực tiễn, phù hợp với tính chất của công trình, tiết kiệm, hiệu quả. Tính toán cụ thể kinh phí và phân khai rõ nguồn vốn, phương án huy động tài chính để thực hiện.

Trao đổi với PV Lao Động, ông Đinh Văn Thứ, Chủ tịch UBND thành phố Ninh Bình cho biết: Tính đến thời điểm hiện tại, các hạng mục đã thi công cơ bản hoàn thành và đưa vào sử dụng một phần như: Hạng mục đường hầm, khu sân Quảng trường, sân sinh hoạt văn hóa cộng đồng và một số hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật khác (đường giao thông, cấp thoát nước, điện chiếu sáng).

Riêng khu tượng đài Đinh Tiên Hoàng Đế, được triển khai thực hiện từ năm 2009 - 2010, tuy vậy do thiếu vốn cho nên công tác giải phóng mặt bằng (đặc biệt là tuyến đường điện 110kV) gặp nhiều khó khăn. Riêng tượng đài Đinh Tiên Hoàng, thành phố chủ trương không dùng tiền ngân sách Nhà nước để đầu tư mà kêu gọi xã hội hóa.

Nguồn vốn do Trung ương cấp từ năm 2009 đến nay chỉ đủ để hoàn thiện một số hạng mục đã thi công còn dang dở trong khi, nguồn kinh phí để giải phóng mặt bằng do tỉnh và thành phố Ninh Bình bố trí khá hạn hẹp so với nhu cầu thực tế là hơn 200 tỉ đồng. Tổng số hộ thu hồi đất thổ cư và di chuyển chỗ ở là 181 hộ, trong đó không ít hộ nằm trên QL1A nên giá đền bù cao.

“Nguyên nhân dự án chậm tiến độ và kéo dài trong thời gian dài là do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng và thiếu vốn. Hiện nay, công tác giải phóng mặt bằng đã được thực hiện xong. Thời gian tới, thành phố tiếp tục huy động mọi nguồn lực để tập trung triển khai thi công các hạng mục còn lại. Phấn đấu hoàn thành kế hoạch của dự án đúng tiến độ đề ra” - ông Thứ nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn