MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những biểu hiện quấy rối tình dục nơi làm việc. (Ảnh minh họa). Ảnh: A.C

Quấy rối tình dục nơi làm việc: Đụng chạm và những câu nói sống sượng

Nhóm PV LDO | 03/07/2020 13:00

Không chỉ dừng ở lại những đụng chạm, những lời nói sống sượng,… quấy rối tình dục tại nơi làm việc còn là những đề nghị, yêu cầu, gợi ý đổi quan hệ tình dục lấy sự đánh giá ưu ái hoặc sự hứa hẹn công việc, lương, thưởng,... 

Là công nhân làm việc tại một công ty thuộc lĩnh vực điện tử ở tỉnh Bắc Giang, chị N.T.T cho biết tại nhà máy chị làm việc có một nhân viên kỹ thuật thường xuyên có những lời lẽ, cử chỉ rất lạ với những nữ công nhân. 

"Khi ngồi nói chuyện, nam nhân viên này thường đề cập đến những chủ đề “nhạy cảm”. Đôi khi, người này có những đụng chạm vào người tôi và một số công nhân nữ khác khi đi ngang qua. Những câu nói như “Mày trắng thế, ngon thế” hoặc: “Mày trắng thế chắc ngực mày cũng trắng lắm ấy nhỉ”; “Mày đi chơi với tao một đêm đi"... - chị N.T.T cho hay đây là những từ ngữ chị và nhiều người khác đã gặp phải từ miệng của nam nhân viên này.

Chị N.T.T cho biết: “Người này hay cố tình đụng chạm vào các công nhân nữ, nhất là những người trẻ tuổi, mới vào công ty. Có lần, anh ta định quàng qua người tôi, tôi đã phản ứng bằng cách tát lại anh ta".

Những lần phải nghe những câu nói sỗ sàng như vậy, chị N.T.T có nói lại với người này, nhưng vẫn không thay đổi.

Trao đổi về việc chị có phản ánh vụ việc này lên công ty không, chị N.T.T cho hay, chị không phản ánh lên vì không có bằng chứng. Hơn nữa, chị N.T.T không muốn ảnh hưởng đến công việc của mình. Nếu đưa chuyện này lên công ty, chị chưa biết vụ việc sẽ bị xử lý như thế nào, liệu người quấy rối kia có bị trừng phạt hay không; trong khi đó, chắc chắn công việc, đời sống cá nhân của chị sẽ bị ảnh hưởng.

Chia sẻ với phóng viên, chị Kim Liên (nhân vật đã đổi tên), 25 tuổi, sống tại Hà Nội kể: “Cách đây 3 năm, tôi xin vào thực tập tại một cơ quan theo đúng chuyên ngành mà tôi theo học. Tôi được mọi người nhận xét có ngoại hình ưa nhìn, vui vẻ. Người trực tiếp hướng dẫn tôi là một trưởng ban về nội dung đã ngoài 40 tuổi. Ban đầu tiếp xúc tôi khá sợ vì vẻ ngoài ít nói, nghiêm khắc".

Sau 3 tháng, khi chị Kim Liên gần kết thúc thực tập, người này ngỏ lời rủ chị cùng một người bạn thực tập cùng đi ăn ở một nhà hàng để chia tay.

“Trong bữa ăn, khi người bạn của tôi đi vệ sinh, sếp nói với tôi, em muốn sau này ra trường có ngay công việc ổn định không, anh sẽ giúp em. Lúc này, sếp tiến lại gần, vòng tay qua eo tôi. Tôi ngại đỏ mặt, liền đứng dậy bảo đi vệ sinh, sau đó tôi lấy lý do có việc bận nên về trước” - chị Liên kể lại. 

Không chỉ dừng lại ở đó, chị Liên cho biết, buổi tối về nhà, người này vẫn nhắn tin hỏi han như chưa có chuyện gì xảy ra.

Sáng hôm sau đến cơ quan, người này tiếp tục gọi chị vào phòng, và nói: “Em có muốn anh nhận xét tốt và cho em điểm cao không? Anh rất quý và thích em. Nếu em cũng vậy thì yên tâm, anh sẽ bảo đảm không chỉ nhận xét kết quả thực tập của em xuất sắc không đâu, mà cả công việc của em sau này nữa".

Lần đầu tiên rời ghế nhà trường đã gặp phải sự việc này khiến chị Kim Liên còn bị ám ảnh đến tận bây giờ.

Theo Tổ chức Lao động quốc tế ILO (trong Tuyên bố về các nguyên tắc và quyền cơ bản tại nơi làm việc), nạn nhân của quấy rối tình dục tại nơi làm việc phải hứng chịu tổn thương về tâm lý, bao gồm cảm giác bị sỉ nhục, giảm động lực phấn đấu, mất đi sự tôn trọng bản thân mình.

UN Women là Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ cho rằng, một cuộc khảo sát do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và ActionAid thực hiện năm 2016, tại 5 thành phố và tỉnh thành - bao gồm Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh - cho thấy 51% phụ nữ cho biết họ đã từng bị quấy rối tình dục ít nhất một lần.

Hầu hết nạn nhân của quấy rối tình dục không lên tiếng vì họ cảm thấy xấu hổ và thậm chí bị phân biệt đối xử nếu câu chuyện của họ bị phơi bày.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn