MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nữ đoàn viên bầm môi sau khi bị đối tượng Triệu “hôn”. Ảnh: NNCC

Quấy rối tình dục từng phạt hành chính 200 nghìn đồng: Không có tính răn đe

Nhóm PV LDO | 03/07/2020 16:00

Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là một vấn đề nhạy cảm. Tâm lý ngại lên tiếng, chế tài xử lý chưa nghiêm khiến vấn nạn này như một “tảng băng chìm” tại nhiều công sở, nhà máy.

Chưa tiếp cận vấn đề quấy rối tình dục

Về vấn đề quấy rối tình dục nơi làm việc, bà Đỗ Hồng Vân – Phó Trưởng ban Nữ công (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) - cho biết, Dự án Tăng cường tiếng nói của phụ nữ nhằm phòng, chống quấy rối tình dục tại 3 nhà máy ở Thái Nguyên đã được triển khai.

Trong quá trình thực hiện dự án, theo bà Vân, hầu hết công nhân chưa được tiếp cận vấn đề quấy rối tình dục. Sau đó, qua công tác truyền thông, nhiều công nhân đã nhận diện được những hành vi quấy rối tình dục đã từng xảy ra với mình.

Phó Trưởng ban Nữ công ví dụ, một công nhân kể rằng, có nhân viên sửa điện, mỗi khi sửa thường lợi dụng sờ vào tay nữ công nhân và bình luận khiếm nhã. Dù không thoải mái với điều này nhưng họ không nghĩ đây là hành vi quấy rối tình dục.

Bà Vân cho hay, theo định nghĩa của CARE-1 trong 3 đơn vị triển khai dự án, hành vi bắt tay nhưng dùng ngón tay để… gãi vào lòng bàn tay của đối phương mà không được đối phương đồng ý thì cũng được coi là hành vi quấy rồi tình dục về thể chất. Bên cạnh đó, thực tế cho thấy không chỉ nam quấy rối tình dục nữ, mà có cả tình huống ngược lại.

Hiếm hoi những vụ bị phanh phui 

Mới đây, UBND huyện Bình Xuyên (tỉnh Vĩnh Phúc) đã có quyết định thi hành kỷ luật theo hình thức cách chức đối với ông Nguyễn Huy Sơn - Trưởng Phòng GDĐT huyện Bình Xuyên vì có hành vi sàm sỡ một nữ giáo viên tại phòng làm việc.

Trước đó, Huyện ủy Bình Xuyên nhận được đơn thư tố cáo việc ông Sơn sàm sỡ nữ giáo viên của Trường THCS Phú Xuân (Bình Xuyên). Vụ việc này xảy ra rồi tháng 11.2019, ngay tại phòng làm việc của ông Sơn. 

Đó là một trong những vụ việc hiếm hoi bị “phanh phui”. Về vấn đề này, bà Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Nghiên cứu phát triển xã hội nhận định: “Tình trạng quấy rối tình dục lao động nữ vẫn diễn ra trong doanh nghiệp, công ty, văn phòng,... Chúng ta rất khó có những số liệu chính xác về vấn đề này".

Bà Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Nghiên cứu phát triển xã hội, tại một buổi nói chuyện về quyền của phụ nữ. Ảnh: Trần Kiều

"Bởi đây không chỉ là vấn đề câu chuyện tình dục mà còn liên quan đến mối quan hệ lao động. Trong rất nhiều trường hợp nạn nhân chịu đựng, im lặng, không dám tố cáo vì tố cáo sẽ có nhiều hệ luỵ cho bản thân nạn nhân và kẻ quấy rối không hề hấn gì" bà Hồng cho biết thêm.

Từng nghiên cứu về quấy rối tình dục nơi làm việc từ năm 1999, bà Khuất Thu Hồng bị ám ảnh nhiều vụ việc quấy rối. Bà Hồng từng gặp câu chuyện như có một cô gái trong 2 năm phải đổi việc làm 9 lần vì đi đến đâu cũng bị gạ gẫm, đánh đổi thì mới có được công việc, vị trí việc làm tốt,…

Bà Hồng nhắc lại vụ việc của chị N.T.L.A- chuyên viên Phòng Tài chính Kế hoạch huyện Triệu Phong, Quảng Trị - bị ông Nguyễn Bình - chuyên viên Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Triệu Phong dùng sức mạnh ôm, giữ, hôn, cắn vào vùng môi, dùng tay sờ vào các vùng “nhạy cảm” chị L.A nhưng không nhằm mục đích thực hiện hành vi muốn giao cấu hoặc quan hệ tình dục khác đối với chị L.A, mà chỉ nhằm mục đích trêu ghẹo, sàm sỡ.

Công an huyện Triệu Phong cho biết, hành vi của ông Triệu không đủ yếu tối cấu thành tội “Hiếp dâm”. Sau đó, cơ quan chức năng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 200 nghìn đồng đối với ông Triệu vì hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác theo Điểm a Khoản 1, Điều 5 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP. 

Về việc này, bà Hồng nhận định: “Nếu thời điểm đó có quy định như bây giờ thì việc xử lý, bảo vệ nữ công chức này sẽ tốt hơn. Xử lý theo Nghị định 167 trong trường hợp này không hợp lý, kiên cưỡng và hoàn toàn không có tính chất răn đe”. 

Bà Hồng nói thêm, trong những vụ việc quấy rối tình dục nghiêm trọng, không thể giấu được mới được đưa lên báo chí. Còn nhiều vụ việc khác âm thầm diễn ra, người lao động, đặc biệt lao động nữ phải cam chịu, ảnh hưởng cuộc sống, gia đình, công việc. Vì không có hành lang pháp lý nên câu chuyện này vẫn tiếp diễn nơi làm việc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn