MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chất lượng giáo viên cần được đánh giá thông qua chất lượng sản phẩm giáo dục là học sinh. Ảnh minh họa: MH

Quy định mới về thăng hạng giáo viên: Hình thức, thiên về hành chính

QUANG ĐẠI LDO | 11/12/2021 19:00

Bộ GDĐT mới ban hành Thông tư số 34 quy định tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên.

Thông tư này thay thế các Thông tư số 20 ngày 18.8.2017 quy định tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung, hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên; Thông tư số 28 ngày 30.11.2017 quy định tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung, hình thức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên.

Mặc dù đã có nhiều thay đổi so với các văn bản trước, nhưng theo phản ánh của nhiều giáo viên, quy định về thi thăng hạng vẫn còn hình thức, chưa đi vào thực chất của công tác dạy học trong nhà trường.

“Theo Thông tư 34, việc kiểm tra, sát hạch để thăng hạng giáo viên từ hạng II lên hạng I được thực hiện bằng hình thức làm bài trắc nghiệm hoặc phỏng vấn, nội dung liên quan đến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về giáo dục và nhiệm vụ của nhà giáo. Đây là các vấn đề lý thuyết, có tính nguyên tắc chung mà bất cứ giáo viên nào cũng phải biết và dễ dàng tham khảo trên mạng, không thể hiện năng lực chuyên môn của giáo viên” – thầy Lê Ngọc Hà (Hà Tĩnh) phân tích.

Theo thầy Lê Ngọc Hà, để dự thi về các quy định liên quan đến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về giáo dục và nhiệm vụ của nhà giáo, giáo viên phải ôn tập hết sức vất vả vì có quá nhiều văn bản liên quan.

Việc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ giáo viên hạng III lên giáo viên hạng II: Được thực hiện thông qua việc xét và chấm điểm hồ sơ đăng ký dự xét thăng hạng.

Theo quy định, điểm chấm nhóm tiêu chí về tiêu chuẩn năng lực chuyên môn, nghiệp vụ dựa vào các minh chứng sau: Biên bản cuộc họp ghi ý kiến nhận xét, đánh giá từng tiêu chí; các minh chứng khác như các văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận, quyết định, bằng khen, giấy khen, đề tài, đề án hoặc sản phẩm được ứng dụng; Minh chứng về các danh hiệu thi đua, khen thưởng, các danh hiệu giáo viên giỏi...

Minh chứng về thực hiện nhiệm vụ của hạng II bao gồm: Làm báo cáo viên hoặc dạy minh họa ở các lớp bồi dưỡng giáo viên tiểu học hoặc dạy thử nghiệm các mô hình, phương pháp mới từ cấp trường trở lên; Chủ trì các nội dung bồi dưỡng và sinh hoạt chuyên môn ở tổ, khối chuyên môn; tham gia đánh giá, xét duyệt đề tài nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng của đồng nghiệp từ cấp trường trở lên;

Tham gia ban giám khảo hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi, giáo viên làm Tổng phụ trách Đội giỏi từ cấp trường trở lên; thực hiện các nhiệm vụ của giáo viên cốt cán trường tiểu học; Tham gia các hoạt động chuyên môn khác như kiểm định chất lượng giáo dục, thanh tra, kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm từ cấp trường trở lên; tham gia hướng dẫn, đánh giá thực tập sư phạm của sinh viên.

“Các minh chứng nói trên vẫn nặng về tính chất hành chính, thành tích, chưa đi sâu vào bản chất của hoạt động dạy học đó là chất lượng học sinh được nâng lên qua công tác giảng dạy của giáo viên.

Chất lượng của giáo viên phải được đánh giá thông qua chất lượng sản phẩm giáo dục, đó là học sinh. Vấn đề cốt lõi này không được thể hiện trong các quy định của Thông tư 34” – nhà giáo Hồ Văn Chiến (Nghệ An) trao đổi.

Từ những bất cập nói trên, một số nhà giáo cho rằng việc phân hạng giáo viên thành 4 hạng như hiện nay là bất cập, đề nghị xem xét điều chỉnh, bãi bỏ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn