MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Quy định về các trường hợp khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đúng tuyến

Minh Hương LDO | 09/11/2021 15:45
Bạn đọc hỏi: Hiện thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) của tôi có nơi khám chữa bệnh ban đầu tại Trung tâm Y tế quận Hà Đông (Hà Nội). Vậy nếu tôi khám ở các Trung tâm y tế khác có được hưởng bảo hiểm hay không? Nếu muốn chuyển nơi khám chữa bệnh ban đầu cần những thủ tục gì?

Về vấn đề này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời:

Căn cứ Hướng dẫn Liên ngành số 14955/HD-YT-BHXH ngày 25.12.2020 của Sở Y tế và BHXH TP.Hà Nội), Trung tâm y tế Hà Đông có mã cơ sở khám chữa bệnh 01154, là cơ sở y tế công lập tuyến huyện, hạng 3.

Theo quy định Thông tư số 30/2020/TT-BYT hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 146, cụ thể tại Điều 6. Khám bệnh, chữa bệnh BHYT đúng tuyến:

Các trường hợp khám bệnh, chữa bệnh BHYT đúng tuyến bao gồm:

1. Người tham gia BHYT đến khám bệnh, chữa bệnh đúng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ban đầu ghi trên thẻ BHYT.

2. Người tham gia BHYT đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền khám bệnh, chữa bệnh BHYT tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện khác trong cùng địa bàn tỉnh.

Trường hợp trẻ em chưa có thẻ BHYT do chưa làm thủ tục khai sinh được sử dụng giấy chứng sinh đi khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định tại khoản này.

3. Người tham gia BHYT trong tình trạng cấp cứu được cấp cứu tại bất kỳ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nào trên phạm vi toàn quốc.

4. Người tham gia BHYT được chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế đúng quy định.

5. Người tham gia BHYT có giấy tờ chứng minh đang ở tại địa phương khác trong thời gian đi công tác, làm việc lưu động, học tập trung theo các hình thức đào tạo, chương trình đào tạo, tạm trú và khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cùng tuyến hoặc tương đương với cơ sở đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu ghi trên thẻ bảo hiểm y tế theo quy định tại Khoản 7 Điều 15 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP.

Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm lưu bản chụp giấy tờ quy định tại điểm này trong hồ sơ bệnh án điều trị của người bệnh đó.

6. Người có giấy hẹn khám lại trong trường hợp đã được chuyển tuyến theo quy định tại Khoản 5 Điều 15 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP.

Theo đó, khi người có thẻ BHYT có nơi khám chữa bệnh ban đầu là Trung tâm y tế Hà Đông, thì khi đến các Trung tâm y tế khác được phân tuyến chuyên môn kỹ thuật là tuyến huyện khám chữa bệnh BHYT được xác định là khám chữa bệnh đúng tuyến.

Theo quy định tại Điểm b, Khoản 3 và Khoản 6 Điều 22 Luật BHYT sửa đổi quy định kể từ ngày 1.1.2021, nếu bạn đọc tự đến khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội có chỉ định vào điều trị nội trú thì vẫn được thanh toán 100% chi phí điều trị nội trú trong phạm vị chi trả của Quỹ BHYT và mức hưởng quy định trên thẻ BHYT của bạn, Quỹ BHYT không chi trả chi phí khám chữa bệnh ngoại trú.

Tuy nhiên, phần chi phí cùng chi trả của người bệnh (nếu có) không được xác định là điều kiện để cấp Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm và bạn đọc không được miễn chi phí cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong trường hợp bạn tham gia BHYT đủ 5 năm liên tục và có số tiền cùng chi trả trong năm của những lần đi khám chữa bệnh đúng tuyến vượt quá 6 tháng lương cơ sở.

Thủ tục chuyển nơi khám chữa bệnh ban đầu:

Căn cứ Khoản 2, Điều 26 Luật Bảo hiểm y tế ngày 14.11.2008 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật bảo hiểm y tế ngày 13.6.2014: Người tham gia BHYT được thay đổi cơ sở đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu vào đầu mỗi quý.

Căn cứ Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14.4.2017 và Quyết định số 505/QĐ-BHXH quy định: Người tham gia BHYT được thay đổi cơ sở đăng ký khám chữa bệnh ban đầu vào tháng đầu quý ( T1, T4, T7, T10 hằng năm).

Hồ sơ gồm: Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS); trường hợp người lao động được hưởng quyền lợi BHYT cao hơn: Bổ sung Giấy tờ chứng minh (nếu có).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn