MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Quyết định không sinh con bất chấp mọi định kiến xã hội

BẠN ĐỌC TRẦN KIM HÀ LDO | 31/08/2022 18:00

Khi theo dõi diễn đàn "Lựa chọn không sinh con, người trẻ tích cực làm việc để an nhàn lúc già", tôi rất đồng tình. Cũng bởi, tôi cho rằng sinh con hay không ảnh hưởng gì đến cuộc sống của hai vợ chồng như nhiều người vẫn thường mặc định.

Quyết định không sinh con

Tôi đã quyết định không sinh con, dù đã kết hôn được gần bảy năm. Ban đầu, do mãi vẫn chưa có con nên hai vợ chồng tôi thường bị gia đình hai bên thúc giục nhiều, thậm chí còn bị mắng là bất hiếu, ích kỷ, chỉ biết lo làm việc mà không quan tâm gì đến chuyện sinh con. Trước đây vợ chồng tôi đi khám và thuộc trường hợp hiếm muộn. Chữa trị mãi không thành công nên lâu dần chúng tôi cũng không lên kế hoạch sinh con.

Bên cạnh đó, do công việc cá nhân của tôi quá bận, không có thời gian chăm con, tôi lại là nguồn thu chính trong nhà, nên nếu nghỉ để chăm con thì rất lo ngại không có thu nhập ổn định.

Mặc dù ba mẹ cả hai bên thúc giục và hứa hẹn việc sinh con, đưa bé để ông bà chăm sóc nhưng bản thân tôi không muốn ba mẹ phải vất vả khi tuổi đã cao, sức khỏe lại rất yếu. Tôi cho rằng sinh con ra thì phải chăm sóc từ những năm tháng đầu đời, nếu không có đủ thời gian và sự kiên nhẫn thì không nên cố gắng sinh ra đứa trẻ.

Hai vợ chồng tôi đã từng đề cập vấn đề này với người lớn hai bên. Nhưng với tư tưởng truyền thống xưa nay, ba mẹ tôi lẫn ba mẹ chồng đều không thoải mái chấp nhận nên chúng tôi đành im lặng...

Xã hội hiện nay vẫn mặc định việc sinh con là điều bất kỳ ai kết hôn đều phải thực hiện. Với nhiều gia đình, việc có sinh được con, hoặc sinh con trai hay con gái, được mặc định như một thước đo của hạnh phúc. Các cặp vợ chồng lựa chọn không sinh con vẫn ít nhiều là một điều gì đó "kỳ quặc, không giống ai" trong mắt mọi người. Thậm chí, nhiều cặp đôi còn bị đánh đồng, quy chụp là vợ hoặc chồng, hoặc cả hai có vấn đề về sức khỏe sinh sản. Trong nhiều trường hợp, người phụ nữ còn bị miệt thị nặng nề với định kiến “cây độc không trái, gái độc không con".

Không "đong" giá trị phụ nữ bằng việc sinh con

Có lẽ nhiều người trẻ sẽ đồng tình với tôi rằng do e ngại định kiến xã hội nên họ chọn sinh con chỉ vì "xung quanh mọi người đều như vậy", chỉ vì "không làm thì người ta đánh giá" mà không màng đến việc bản thân có thực sự mong muốn, hạnh phúc khi làm điều đó hay không. Việc sinh con cũng như thế. Bởi sinh con là cả một vấn đề lớn, không phải tự dưng mà tình trạng trầm cảm sau sinh dẫn đến tử vong của phụ nữ ngày càng nhiều.

Giá trị của một người phụ nữ không được quyết định bằng việc cô ấy có thể sinh con hay không. Một phụ nữ cũng không cần phải làm mẹ thì mới được coi là có cuộc đời hoàn hảo.

Phải thừa nhận rằng không phải ai cũng sẵn sàng đánh đổi những điều mình đang có để có con. Chênh lệch trong công việc giữa nam và nữ vốn dĩ đã rất lớn. Nếu hiện tại, tôi lựa chọn sinh con, thì đồng nghĩa khoảng thời gian sinh con ít nhất sẽ kéo dài 2 năm, đợi đến lúc con qua giai đoạn sơ sinh. Khoảng cách 2 năm là quá nhiều đối với những người đang phấn đấu vì sự nghiệp như tôi chẳng hạn.

Tôi cho rằng chỉ khi ta làm điều gì đó thực tâm mình mong muốn, thì hoa thơm trái ngọt mới nảy nở, cuộc sống của mình mới hạnh phúc, vui vẻ. Khi phải sống mà bị chi phối quá nhiều bởi xung quanh, ta chỉ càng làm khổ chính bản thân mình và những người thân yêu mà thôi.

Quyết định không sinh con không phải là ích kỷ, mà sinh con để phục vụ lợi ích của bản thân mới là ích kỷ. Nhiều người thường mặc định việc sinh con cái như mua một “tấm thẻ bảo hiểm”, nhằm phục vụ lợi ích của bản thân, để bọn trẻ phụng dưỡng mình khi về già. Nhưng rõ ràng, những đứa trẻ có cuộc đời riêng của mình. 

Dù biết rằng một ngày nào đó, hai vợ chồng sẽ có một chút hối hận nhưng chúng tôi vẫn quyết định không sinh con. Bất kỳ quyết định nào trong đời, chúng ta luôn cảm thấy tiếc nuối điều mình bỏ qua. Song, dẫu có như thế thì bản thân hai vợ chồng tôi vẫn sẽ cảm thấy nhẹ lòng. Đó là kết quả do chính chúng tôi chọn lấy, chứ không vì mong muốn của bất kỳ ai.

Bạn đọc có thể bày tỏ quan điểm về vấn đề này bằng cách gửi email về Báo Lao Động: toasoan@laodong.com.vn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn