MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Phan Thị Hạnh (giữa) đến Văn phòng đại diện Báo Lao Động khu vực Bắc Trung bộ kêu cứu. Ảnh: Hải Đăng

Ra tòa, người đàn ông bất ngờ phủ nhận chữ ký trong giấy đăng ký kết hôn

QUANG ĐẠI LDO | 31/08/2023 18:30

Tại phiên tòa phúc thẩm xử vụ án ly hôn, người đàn ông phủ nhận chữ ký trong giấy đăng ký kết hôn và không chấp nhận chia cho vợ mảnh đất được tạo lập trong thời kỳ hôn nhân.

Chiều 31.8, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An mở phiên phúc thẩm xử vụ án ly hôn giữa anh Trần Thế Thủy và chị Phan Thị Hạnh, cùng sinh năm 1973, trú tại xã Mã Thành, huyện Yên Thành do bản án sơ thẩm có kháng cáo.

Như Lao Động đã phản ánh, chị Hạnh và anh Trần Thế Thủy (địa chỉ xóm Chùa, xã Mã Thành) tổ chức đám cưới từ năm 1994. Vợ chồng chỉ tổ chức kết hôn tại nhà thờ, chưa đăng ký kết hôn. Sau đó, anh chị thực hiện đăng ký kết hôn tại UBND xã Mã Thành nhưng cán bộ xã không ghi vào sổ đăng ký kết hôn.

Hai vợ chồng đã có 3 con chung. Quá trình anh Thủy đi nước ngoài, chị Hạnh ở nhà lo gia đình, chăm sóc mẹ chồng già yếu, cuộc sống hết sức khó khăn, nợ nần chồng chất. Chị Hạnh phải vay mượn để mua đất, dựng nhà từ hàng chục năm đến nay vẫn chưa trả hết nợ.

Do vợ chồng không còn tình cảm, anh chị ly thân từ năm 2020 và nộp đơn ly hôn từ năm 2021.

Tại phiên tòa xét xử vụ án ly hôn do chị Hạnh là nguyên đơn, anh Thủy cho rằng, anh và chị Hạnh không có quan hệ vợ chồng. Anh Thủy từ chối những khoản chị Hạnh đi vay mượn để lo cho gia đình. Anh Thủy cũng yêu cầu lấy toàn bộ mảnh đất vì cho rằng đó là tài sản riêng.

Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn giữa anh Thủy và chị Hạnh năm 2011. Ảnh: Quang Đại

Tại bản án số 102 ngày 9.9.2022, Tòa án nhân dân huyện Yên Thành tuyên: Không công nhận quan hệ vợ chồng giữa chị Hạnh và anh Trần Thế Thủy, lý do: giấy đăng ký kết hôn không có trong sổ đăng ký kết hôn của địa phương...

Về tài sản chung, giao cho anh Thủy nhận phần tài sản bằng hiện vật là thửa đất 350m2 tại xóm Chùa Sơn, xã Mã Thành và toàn bộ tài sản trên đất, anh Thủy thanh toán cho chị Hạnh phần chênh lệch với số tiền 880 triệu đồng.

Tại phiên tòa phúc thẩm, anh Trần Thế Thủy tiếp tục phủ nhận quan hệ vợ chồng với chị Hạnh, yêu cầu hưởng toàn bộ tài sản là thửa đất vì đó là của bố anh Thủy mua tặng cho anh Thủy. Anh Thủy cũng cho rằng mình không ký vào giấy chứng nhận đăng ký kết hôn với chị Hạnh.

Một số nhân chứng cho rằng bố anh Thủy là người tham gia phiên đấu giá đất vào năm 2003 (sau đó mảnh đất nói trên được cấp sổ đỏ đứng tên anh Thủy), tuy nhiên không đưa ra được hồ sơ, tài liệu gì để chứng minh.

Chị Hạnh tiếp tục khẳng định mối quan hệ vợ chồng đã gần 30 năm, với việc làm lễ cưới, sống chung, đăng ký kết hôn, chăm sóc gia đình và chị là người tham gia đấu giá đất vào năm 2003.

Hai con gái chung của anh Thủy và chị Hạnh khẳng định hai người là vợ chồng và cho biết anh Thủy có bạo hành và không chung thủy với vợ, nhà đất là tài sản chung của bố mẹ, đề nghị tòa xem xét vì mẹ quá thiệt thòi.

Luật sư bảo vệ quyền lợi cho chị Hạnh đề nghị giám định chữ ký anh Thủy trên giấy đăng ký kết hôn và tổ chức định giá lại tài sản là nhà đất đang có tranh chấp do việc định giá trước đây chưa chính xác, quá thấp so với giá thị trường.

Hội đồng xét xử đã tạm dừng phiên tòa trong vòng thời gian tối đa 30 ngày để tiến hành xem xét việc định giá lại tài sản nhà đất tranh chấp và có giám định chữ ký của anh Thủy tại giấy chứng nhận đăng ký kết hôn hay không.

Luật sư Hồ Thị Lan Hương (Đoàn Luật sư tỉnh Nghệ An) cho biết theo hồ sơ đấu giá đất năm 2003 thể hiện anh Thủy là người trúng đấu giá, chứ không có tài liệu nào thể hiện là bố anh Thủy tham gia đấu giá. Luật sư Hương cho rằng đây là tài sản chung của 2 vợ chồng và cần được chia đôi bằng hiện vật để bảo đảm quyền lợi người vợ.

“Việc định giá lại tài sản là cần thiết nhằm đảm bảo quyền lợi của cả 2 người, việc giám định chữ ký trên giấy chứng nhận đăng ký kết hôn cũng là cần thiết nhằm khẳng định anh Thủy có ý chí tự nguyện đi đăng ký kết hôn hay không” – luật sư Hồ Thị Lan Hương nêu quan điểm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn