MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tình trạng xả rác bữa bãi sau mỗi dịp nghỉ lễ tại các khu vui chơi. Ảnh Bích Hà

Rác ngập khắp nơi sau mỗi dịp nghỉ lễ: Chuyện cha chung không ai khóc

VƯƠNG TRẦN LDO | 01/05/2018 20:28
Cùng với hình ảnh đông đúc, chen chúc của dòng người những ngày nghỉ lễ tại Hà Nội, tình trạng người về, rác ở lại khiến nhiều người tỏ ra ngán ngẩm.

Dịp nghỉ lễ 30.4 – 1.5 năm nay, những địa điểm như công viên, vườn thú, khu vui chơi lại nườm nượp người ra vào. Đáng chú ý, nhiều du khách lại không có ý thức thu dọn đồ, bảo vệ môi trường nên nhiều điểm đến vui chơi tại Hà Nội lâm vào cảnh người về, rác ở lại.

Tại công viên Thủ Lệ, cách vài bước chân người ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những túi nilon, cốc nhựa uống nước, vỏ túi bimbim ngập ngụa. Nhiều gia đình còn mang đồ ăn, trải bạt trên thảm cỏ cạnh hồ Thủ Lệ.

Tuy nhiên theo quan sát, ít người chủ động dọn lại số rác của mình mà cứ “vô tư” để lại như “bãi chiến trường”.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại khu công viên Yên Sở. Nhiều gia đình cắm trại, chuẩn bị thức ăn, bếp nấu tại đây cho kỳ nghỉ lễ. Quanh các gốc cây, hàng trăm chiếc túi nion được bày biện. Vỏ hoa quả, giấy báo.... cũng vương vãi khắp nơi.

TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng ý thức giữ gìn vệ sinh nơi công cộng như bảo vệ môi trường, không vứt rác bữa bãi... của nhiều người tham quan còn kém, đó là biểu hiện của tâm lý “cha chung không ai khóc”. Đó là một hình ảnh rất phản giáo dục, người lớn không làm gương sẽ dẫn đến trẻ em bắt chước, dần dần thành thói quen xấu.

“Hiện trong chương trình giáo dục phổ thông cũng đã có đưa các nội dung liên quan đến bảo vệ môi trường, ý thức giữ gìn vệ sinh nơi công cộng. Việc này có tác động rất tốt tới học sinh. Tuy nhiên, việc thực hiện của chính người lớn ở thực tế lại “nói một đường, làm một nẻo” như vậy vô hình chung sẽ không tạo được thói quen tốt cho các con” – TS Nguyễn Tùng Lâm nói.

Cũng theo ông Lâm, để giải quyết được tình trạng rác thải ngập ngụa tại các khu công viên, khu vui chơi trên, công tác tổ chức, quản lý ở những khu vực có đông người cần phải tốt hơn. Các thùng rác, biển chỉ dẫn, thông báo về việc giữ gìn vệ sinh chung cần xuất hiện nhiều hơn. Cùng với đó cần có lực lượng túc trực, nhắc nhở những hành vi phản cảm.

“Trong công viên cũng được bố trí thêm các thùng rác để người dân bỏ rác vào. Tránh tình trạng tìm mãi không thấy thùng rác đâu khiến người ta phải vứt lung tung. Những người thu gom rác cũng cần xuất hiện thường xuyên hơn.

Mặt khác, việc giám sát và tiến hành xử phạt cần phải được thực hiện nghiêm để có tính răn đe. Lâu nay, những quy định về xử phạt gần như đang bị phớt lờ ” – TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn