MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mùi hôi thối từ điểm tập kết, đốt rác bủa vây đèo Mã Phục và còn ảnh hưởng tới cả đất sản xuất, đời sống người dân xung quanh. Ảnh: Tân Văn

Rác thải bủa vây di sản nổi tiếng, gây phiền toái đến người dân Cao Bằng

Nhóm PV LDO | 07/04/2024 16:45

Không những bủa vây điểm ngắm cảnh trên đèo Mã Phục, mùi hôi thối từ điểm tập kết rác thải còn thường xuyên ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Di sản bị rác thải, mùi hôi thối bủa vây

Ngày 4.4, Báo Lao Động có bài phản ánh "Cung đèo nổi tiếng ở Cao Bằng bị rác thải, mùi hôi thối bủa vây". Theo đó, điểm ngắm cảnh trên đèo nổi tiếng Mã Phục đang trở thành nỗi ám ảnh của người dân và du khách mỗi khi đi qua. Rác thải và xác động vật phân hủy bốc mùi hôi thối bủa vây con đèo.

Tuy nhiên, mùi hôi thối từ rác thải và việc đốt xương động vật không chỉ dừng lại ở mức thoáng qua, ảnh hưởng đến điểm ngắm cảnh trên đèo, nó còn liên tiếp gây phiền toái tới các hộ dân có đất sản xuất gần đó.

Tình trạng chất thải giết mổ gia súc vứt tràn lan. Ảnh: Tân Văn.

Ngày 7.4, thông tin tới PV, đại diện gia đình bà Hoàng Thị Bằng (xóm Nhòm Nhèm - Lũng Đẩy, xã Quốc Toản, huyện Quảng Hòa) - cho hay: "Từ khoảng năm 2017, UBND xã có nói thu hồi khoảng 800m2 đất sản xuất của gia đình để làm hố xử lý rác Mã Phục xã Quốc Toản (điểm tập kết, đốt rác), từ đó đến nay mùi hôi thối liên tục tỏa ra gây ảnh hưởng tới diện tích đất sản xuất còn lại".

Theo đại diện gia đình bà Bằng, mùi hôi thối, phiền toái từ rác thải không chỉ ảnh hưởng tới 1, 2 hộ gia đình mà tác động cả tới hàng chục hộ dân sống gần đó.

"Bên trên đỉnh dốc có 1 trường mầm non, 1 trường cấp 3, các cháu học sinh ngày ngày đi học đều phải hít thở bầu không khí ô nhiễm này. Tất cả người dân ở đây chỉ mong điểm tập kết, đốt rác này phải di dời đi chỗ khác" - đại diện gia đình nêu ý kiến.

Văn bản trả lời người dân của UBND xã Quốc Toản sau nhiều lần người dân phản ảnh. Ảnh: Người dân cung cấp

Được biết, Mã Phục là ranh giới tự nhiên giữa 2 huyện Hòa An và Quảng Hòa, cung đường đèo có vẻ đẹp hùng vĩ hiếm có.

Đèo Mã Phục thuộc xóm Cao Xuyên, xã Quốc Toản, huyện Quảng Hòa, có chiều dài hơn 3,5km ở độ cao 700m so với mực nước biển. Qua 7 tầng dốc, đây là một trong những con đèo đẹp nhất Cao Bằng. Mã Phục được xếp vào di sản địa chất của Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng, do UNESCO công nhận năm 2018.

Thế nhưng cung đường đèo nổi tiếng này đang đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Người dân cho rằng, sở dĩ ô nhiễm ngày một nặng nề là bởi, một số hộ dân buôn bán thịt động vật phía đỉnh đèo thường xuyên mang những chất thải giết mổ như da, xương bò, ngựa... rồi vứt xuống điểm tập kết.

Trong quá trình những chất thải này phân hủy phát ra mùi hôi, tiếp đó chúng lại được đốt rất thủ công nên khói đen, mùi hôi thối lại tỏa ra khắp vùng.

Không thể giải quyết triệt để

Trao đổi với PV, ông Lục Văn Chức - Chủ tịch UBND xã Quốc Toản - cho hay: "Điểm tập kết rác, đốt chất thải này có từ trước khi điểm dừng chân được xây dựng. Địa phương cũng đã báo cáo cấp trên để tìm điểm xử lý rác mới nhưng quỹ đất địa phương hạn chế nên chưa thể giải quyết được".

Chính quyền dọn dẹp một phần điểm tập kết, đốt rác thải sau phản ánh của Lao Động. Ảnh: Người dân cung cấp chiều 4.4.

"Xã cũng đã nhiều lần tuyên truyền, nhắc nhở các hộ dân kinh doanh không vứt những chất thải giết mổ, động vật chết, nhưng do đây là vị trí khuất nên nhiều người vẫn lợi dụng vứt xác động vật" - vị Chủ tịch UBND xã nói thêm.

Ngay sau khi Lao Động phản ánh, UBND xã Quốc Toản đã cho người dọn dẹp bãi tập kết, đốt rác tại khúc cua Thang Đán (đèo Mã Phục). Tuy nhiên, người dân xã Quốc Toản và một số xóm lân cận của huyện Hoà An cho rằng, chỉ khi có nhiều đơn thư phản ánh, chính quyền sẽ cho người dọn dẹp một chút, sau đó chuyện ô nhiễm lại đâu vào đó. "Chỉ có di dời điểm tập kết rác này đi chỗ khác thì con đèo mới trong lành trở lại được" - người dân xóm Nhòm Nhèm - Lũng Đẩy nêu ý kiến.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn