MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Rác thải "xâm chiếm" gầm cầu vượt Thủ đô

Hạo Thiên LDO | 14/05/2023 20:11

Hà Nội - Thời gian qua, nhiều gầm cầu vượt tại Thủ đô trở thành nơi tập kết rác thải trái phép, gây ảnh hưởng đến đời sống người dân cũng như làm mất mỹ quan đô thị.

Theo ghi nhận của PV Báo Lao Động, một số khu vực như: Cầu vượt Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm), Vành đai 3 khu vực phường Hoàng Mai (quận Hoàng Mai), Dương Nội – Yên Nghĩa (quận Hà Đông) đều đang chất đống rác thải sinh hoạt, rác thải xây dựng.

Tại khu vực gầm cầu vượt Vành đai 3 (khu vực phường Hoàng Liệt) những khoảng đất dưới chân cầu vượt bị biến thành nơi đổ rác. Ngoài rác thải sinh hoạt, những phế thải xây dựng, bê tông, ống cống vỡ, tủ gỗ hỏng, chai lọ thủy tinh, sành sứ vỡ vụn nằm vương vãi, ngổn ngang dưới các trụ cầu.

Rác thải xây dựng nằm ngổn ngang phía dưới chân cầu Vành đai 3 trên cao. Ảnh: Hạo Thiên

“Tôi thường xuyên di chuyển qua khu vực này và đã chứng kiến rất nhiều người dân ngang nhiên vứt rác bừa bãi tại đây. Có những hôm rác  bốc mùi ô nhiễm rất khó chịu” - chị Lê Thị Hằng (Hoàng Mai) chia sẻ.

Không chỉ cầu vượt Vành đai 3 mà ở khu vực gầm cầu vượt Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm) cũng cũng tồn tại nhiều loại rác sinh hoạt.

Rác thải xuất hiện dưới gầm cầu vượt Mễ Trì. Ảnh: Hạo Thiên

Ở khu vực gầm cầu vượt đường sắt  Dương Nội – Yên Nghĩa là nơi có đông người và phương tiện lưu thông qua đây hàng ngày việc tồn tại rác thải vừa ô nhiễm môi trường, và còn ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị. Đặc biệt buổi sáng khu vực này thường xuyên tổ chức họp chợ dân sinh vào buổi, nhiều tiểu thương còn tổ chức giết mổ gia cầm khiến khu vực này trở nên nhếch nhác.

Rác thải vương vãi dưới gầm cầu vượt đường sắt Dương Nội - Yên Nghĩa. Ảnh: Hạo Thiên

Anh Phạm Quang Huy (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi mong ngành chức năng sớm tổ chức dọn sạch rác và mọi người hãy nêu cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường sạch đẹp để góp phần tạo nên không gian và khung cảnh văn minh đô thị đáng sống".

Theo PGS.TS. Bùi Thị An, Đại biểu quốc hội khóa 13 cho biết, việc rác thải ngổn ngang dưới chân các cầu vượt phần lớn là do ý thức bảo vệ môi trường của người dân chưa cao, thường xuyên vứt rác bừa bãi, không đúng nơi quy định.

PGS.TS. Bùi Thị An cũng cho biết, các cấp chính quyền cần đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân để nâng cao ý thức về bảo về môi trường. Đồng thời, tích cực kiểm tra, rà soát các điểm nóng về rác thải, có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tránh để tình trạng vứt rác bừa bãi tiếp diễn làm mất mỹ quan và ảnh hưởng đến môi trường.

Trao đổi với Lao Động về vấn đề này, đại diện Ban quản lý dự án quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, quận đã nhiều lần ra quân dẹp bỏ các bãi rác tự phát tại khu vực các gầm cầu, tuy nhiên thực trạng người dân đổ trộm rác vẫn diễn ra và rất khó kiểm soát. Thời gian tới, quận sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, rà soát và có các biện pháp xử phạt thật nghiêm với các trường hợp vi phạm.

Theo quy định tại điểm c và d Khoản 18 Điều 1 Nghị định 55/2021/NĐ-CP sửa đổi Điều 20 Nghị định 155/2016/NĐ-CP thì hành vi vứt rác thải bừa bãi bị xử phạt như sau:

c) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt, đổ nước thải không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng, trừ vi phạm quy định tại điểm d khoản này;

d) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt, trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt; đổ nước thải không đúng quy định trên vỉa hè, lòng đường phố.

Theo quy định tại Khoản 4 Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP thì hành vi đổ rác không đúng nơi quy định bị xử phạt như sau:

4. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi đổ rác ra đường bộ không đúng nơi quy định, trừ các hành vi vi phạm quy định tại: điểm a khoản 6 Điều này; khoản 3, khoản 4 Điều 20 Nghị định này...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn