MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Rằm tháng 7: Chưa cúng đã bị "giật"

K.Linh LDO | 04/09/2020 12:09

Hoạt động cúng và "giật cô hồn" thường thấy trong dịp Rằm tháng 7 và ngày càng xuất hiện nhiều tình huống chủ nhà chưa kịp cúng, đồ cúng đã bị "giật" mất.

Rằm tháng 7 (15.7 Âm lịch) là ngày rằm lớn nhất trong năm theo phong tục truyền thống của người Việt và thường được gọi là ngày “Xá tội vong nhân”. Do đó, bên cạnh việc làm lễ cúng để mời vong linh người thân trở về nhà, mâm cơm ngày Rằm tháng 7 cũng là để các gia đình Việt cầu siêu cho những cô hồn oan trái, không nơi nương tựa.

Theo phong tục, người chủ nhà sẽ cúng một mâm lễ ngay cửa nhà gồm có: tiền lẻ, bỏng ngô, khoai luộc, bánh, kẹo,... Sau khi cúng xong thì sẽ để đó cho trẻ con xung quanh tới "giật" rồi chia nhau. Quá trình tranh giành đồ ăn này chính là tục lệ "giật cô hồn".

Người đời quan niệm rằng càng có nhiều người đến giật thì sẽ càng có nhiều lộc, và đồ ăn giật được thì đều có thể ăn uống bình thường.

Nhưng hiện nay, những hình ảnh thường bắt gặp vào ngày Rằm tháng 7 là đám đông tranh giành ấy giờ đây không còn là những đứa trẻ nữa, thay vào đó là đủ mọi lứa tuổi, thành phần, giới tính. Chẳng chờ gia chủ cúng bái xong xuôi, đám đông xung quanh tập trung hai bên, thậm chí chạy xe máy đi qua lại chực chờ lao vào vơ vét mâm cúng Rằm tháng 7.

Anh Nguyễn A.C (Quận Tân Phú, TP HCM) chia sẻ: "Mấy anh em trong nhà vừa mới bày đồ lễ ra bàn trước cửa nhà, chưa kịp thắp nhang xong quay qua quay lại con gà đã "chạy" mất tiêu để lại bộ lòng."

Mâm đồ cúng rằm tháng 7 chưa kịp thắp hương đã bị “giật” mất. Ảnh: NDCC.

"Đồ cúng vừa kịp bày lên là đã thấy hai thanh niên chạy xe máy phi thẳng vào cửa nhà rồi hồn nhiên dọn đồ bê đi, lúc ấy gia đình còn chưa kịp cúng gì cả nên mình chạy ra nói họ để lại cho gia đình cúng đã. Sau đó 10 phút đã lại thấy mấy thanh niên đó quay lại, kéo theo mấy người nữa nẹt bô xe trước cửa nhà", anh Nguyễn V. Phước (Quận 7, TP HCM) chia sẻ.

Thậm chí, những người đi "giật cô hồn" họ sẵn sàng chen chúc, xô ngã và sử dụng bất cứ vật dụng trên người để tấn công nhau, tranh giành được càng nhiều đồ cúng càng tốt.

Cúng cô hồn là một tục lệ xuất phát từ tính nhân văn có từ lâu đời. Đến nay, do một bộ phận vì lợi ích và tâm lý cá nhân của bản thân mà làm biến tướng và làm xấu đi ý nghĩa của hoạt động này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn