MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khá đông người mua trong các hệ thống siêu thị tại TPHCM trong tuần đầu tiên thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Ảnh: Anh Tú.

“Rơi nước mắt” khi hàng hóa nơi ách tắc, nơi tăng giá

Thế Lâm LDO | 19/07/2021 08:47

Cụm từ “rơi nước mắt” đã được một vị lãnh đạo của Sở Công Thương TPHCM kể lại cảm xúc của mình khi nghe tin các đoàn xe tải chở hàng hóa, nhu yếu phẩm về TPHCM bị kẹt hàng km trên quốc lộ tại một số tỉnh ở ĐBSCL trong đêm ngày 8 rạng ngày 9.7.

Đó cũng là thời điểm thành phố bắt đầu thực hiện đợt giãn cách xã hội 15 ngày theo Chỉ thị 16.

Đến trưa ngày 9.7, cán bộ truyền thông của một chuỗi bán lẻ lớn gọi điện trao đổi với người viết bài này, với một giọng đau lòng cho biết hàng chục xe chở rau, củ, quả về TPHCM của chuỗi đang phải dừng bánh và chờ đợi trên quốc lộ thuộc địa phận một tỉnh thuộc ĐBSCL.

Cách quản lý và qui định mỗi nơi một kiểu về kiểm soát phương tiện vận chuyển vô hình chung đã gây ra ách tắc nặng nề đối với việc lưu thông hàng hóa liên tỉnh.

Đối với một thị trường lớn như TPHCM, nhu cầu bình quân mỗi ngày lên đến 7.000 tấn thực phẩm gồm rau, củ, quả, trái cây, thịt gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, sau khi 3 chợ đầu mối đóng cửa, và chỉ còn 48/234 chợ truyền thống còn hoạt động, cùng với tình trạng trở ngại và ách tắc lưu thông hàng hóa thiết yếu khi đi qua địa phận một số tỉnh, nhu cầu về rau, củ, quả, thực phẩm tươi sống của TPHCM bị thiếu hụt khoảng 1.000 tấn.

Chính vì thế, hàng hóa tại các chợ, vào thời điểm trưa, chiều giá bị đội lên gấp 2-3 lần so với bình thường.

Một số người tiêu dùng, nhân vụ chuỗi Bách Hóa Xanh tăng giá một số mặt hàng, đã bày tỏ rằng nhiều khi buộc phải mua món hàng với giá chặt chém mà ứa nước mắt.

Đồng tiền làm ra từ công sức, mồ hôi nước mắt, nhưng bị mất giá kinh khủng trong những ngày qua khi đi chợ hay đi mua thực phẩm tươi sống tại một số chuỗi cửa hàng, siêu thị. Nghe phản hồi, giải thích từ các chuỗi đó thì thấy cũng có những yếu tố hợp lý. Thế nhưng đặt ra câu hỏi rằng, khó khăn ách tắc trong lưu thông, vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp bán lẻ nhìn chung là tương tự nhau, nhưng vì sao chuỗi này lại bán quả bí, mớ rau với giá đắt gấp 2 lần đến hơn 2 lần so với chuỗi kia.

Cơ quan chức năng liền thực hiện kiểm tra. Nhưng trong một giờ hay một buổi không thể nào lần ra được hay làm rõ được cơ cấu chi phí dẫn đến giá thành, giá bán ra từ phía doanh nghiệp. Rồi cũng chỉ còn biết trông chờ vào ý thức tự giác, tinh thần chung lưng đấu cật trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng, đời sống của người dân thành phố gặp nhiều khó khăn.

Việc lưu thông hàng hóa gặp trở ngại và ách tắc có liên quan mật thiết với cơn sốt giá các mặt hàng nhu yếu phẩm như rau xanh, củ, quả, thịt tươi sống… tại TPHCM những ngày gần đây.

Thẳng thắn mà nói, trong rất nhiều tình huống, tình trạng sốt giá, nâng giá của bên bán rất khó bị xử lý vì được hợp thức hóa bằng nhiều lý do và chi phí hợp lý.

Những khi ấy, dù người tiêu dùng có ứa nước mắt thì cũng cũng chẳng thể thay đổi được hiện trạng của cơn sốt giá, vì về cơ bản khi cán cân cung - cầu đang mất cân bằng, chưa được giải quyết ổn thỏa thì cơ hội cho những cơn sốt giá bùng lên vẫn còn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn