MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Rực rỡ sắc màu làng nghề tăm hương 100 năm tuổi dịp cận Tết

Trần Kiều LDO | 01/01/2020 15:16
Từ xa xưa, nén hương đã đi vào đời sống văn hóa tín ngưỡng của người dân Việt Nam như một nét đẹp truyền thống gần gũi và thiêng liêng. Để có được những nén hương thơm, chất lượng phục vụ cho việc thờ cúng là cả một quá trình công phu, tỉ mỉ của những người thợ. Về với làng nghề tăm hương 100 năm tuổi Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) dịp cận Tết, chúng ta như thấy được phần nào nét đẹp ấy. 

Nghề mang lại thu nhập chính

Cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 30km, từ xa xa, dọc theo lối vào làng Quảng Phú Cầu, màu đỏ rực của những bó tăm hương đã hiện lên thật bắt mắt. Cùng với sự phát triển của nghề làm tăm hương, những con đường, ngõ xóm nơi đây cũng được đầu tư xây mới. Phần để thuận tiện trong đi lại, phần để hỗ trợ cho việc làm tăm hương.

Huyện Ứng Hòa có 6 thôn thì cả 6 thôn đều tham gia vào sản xuất tăm hương. Đây là nghề mang lại thu nhập chính cho người dân tại địa phương. Theo lời các cụ cao niên kể lại, nghề làm tăm hương ở Quảng Phú Cầu đã có tuổi đời khoảng 100 năm. Ban đầu nghề này tập trung ở Phú Lương Thượng với mô hình nhỏ lẻ. Về sau, thị trường ngày càng được mở rộng thì nghề cũng phát triển rộng khắp cả 6 thôn.

Nguồn nguyên liệu làm tăm hương là từ những thanh vầu được vận chuyển về từ khắp các làng quê: Cao Bằng, Lạng Sơn, Nghệ An…. Sau 1-2 tháng ngâm dưới ao cho “chín”, vầu sẽ được vớt lên rửa sạch rồi phơi khô và mang đi chẻ.

Những bó tăm hương đều đặn, bắt mắt.  

Nếu như trước đây tăm hương chủ yếu được chẻ thủ công bằng tay thì nay phần lớn các hộ sản xuất đã đầu tư máy chẻ tự động về để làm. Không chỉ nhanh mà mẫu mã tăm hương cũng đẹp và bắt mắt hơn. Vê bột hương vào tăm hay còn gọi là làm thân hương giờ cũng đã được thực hiện bằng máy móc hiện đại. Nhờ đó, mỗi ngày, một nhân công có thể sản xuất ra được hàng chục cân hương thành phẩm.

Niềm vui lao động những ngày cuối năm.  

Theo như chia sẻ của mọi người, nếu làm đều đặn, mỗi năm họ kiếm về nguồn thu nhập từ 5-8 triệu đồng từ việc làm tăm hương. Còn nếu chỉ làm thêm theo ngày thì được trả 200.000 đồng/ngày công. Ai là thợ lành nghề thì tiền công sẽ cao hơn.

Làm nghề bằng cái tâm

Ngoại trừ những ngày trời mưa, thì tất cả những ngày trong năm, khắp các nhà, ngõ xóm đều đỏ rực màu của tăm hương, chân hương. Ai ai cũng tất bật với công việc, đặc biệt là vào độ hè và những tháng cuối năm.

Ai ai cũng tất bật với công việc.  

Để có được nén hương thành phẩm phải trải qua rất nhiều công đoạn, từ chẻ vầu, vót tăm, lột tăm, phơi tăm cho đến vê bột rồi lại tiếp tục phơi khô que hương… Những người thợ làm hương ở Quảng Phú Cầu tâm niệm: Hương liên quan đến thế giới tâm linh, nên các công đoạn làm hương không được cẩu thả và các nguyên liệu làm hương luôn phải sạch.

Hương được mang đi phơi nắng.  

Nắng hanh được xem là thời tiết "vàng" của nghề làm hương. Hương được hong khô ngoài nắng và gió sẽ giữ được mùi thơm trầm dịu. Ông Bùi Văn Thuấn, người đã có 18 năm kinh nghiệm làm nghề chia sẻ: “Trong mỗi nén hương có từ 20-36 vị thảo mộc được xay và trộn đều. Mỗi gia đình lại có một bí quyết riêng về cách pha chế bột hương. Hương được sản xuất ở Quảng Phú Cầu đặc biệt bởi các nguyên liệu làm bột hương đều từ tự nhiên, không có pha hóa chất nên được mọi người mua nhiều”.

Dưới ánh nắng, những bó tăm hương càng thêm rực rỡ.  

Chị Lý Thị Én, chủ một cơ sở sản xuất tăm hương cho biết, những dịp cuối năm, nhu cầu tiêu thụ tăng cao, các hộ sản xuất tăm hương ở Quảng Phú Cầu phải tất bật làm việc với công suất cao nhất. Có khi phải thuê thêm cả nhân công ở các vùng lân cận.

Thời điểm này, trung bình mỗi ngày, cả làng nghề sản xuất ra khoảng gần 100 tấn sản phẩm cung ứng cho dịp Tết trong nước và xuất khẩu đi cả các nước như: Trung Quốc, Ấn Độ…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn