MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cặp nem, chai rượu là sính vật thăm, chúc Tết nhà người thân, ông bà, thầy cô... ở Quảng Nam. Ảnh: Thanh Hải

Rượu, nem là cặp sính lễ chúc Tết ở một số vùng quê ở Quảng Nam

Thanh Hải LDO | 31/01/2022 08:00

Đi thăm, chúc Tết người thân, ông bà, thầy cô, lãnh đạo... kèm với một chút lễ vật, luôn là nét đẹp truyền thống. Tuy nhiên, nếp sinh hoạt ấy giờ đã bị mai một, biến thể và không còn nguyên sơ, trong sáng như những ngày Tết xưa...

Cận Tết, năm nào cũng ra các chỉ thị, thông báo từ Trung ương cấm đi quà Tết cho cấp trên. Sở dĩ có lệnh cấm như vậy là bởi mỹ tục đi thăm thú, chúc Tết kèm lễ vật đã bị lạm dụng, đôi khi thành đưa nhận hối lộ, đút lót, chạy chức chạy quyền...

Với nhiều vùng quê ở Quảng Nam, từ hơn 30 năm trở về trước, mỹ tục đi thăm, chúc Tết nhau gần như là lệ, là sự bắt buộc trong mỗi gia đình. Đi thăm Tết có thể trước, trong và sau 3 ngày Tết, nhưng không được miễn. Quà Tết có thể vài ký nếp thơm, đôi đòn bánh tét, chai dầu phụng, cặp gà... tùy từng gia cảnh. Tuy nhiên, 2 chiếc nem và 1 chai rượu là lễ vật không thể thiếu.

Nem treo cổ chai rượu là lễ vật không thể thiếu khi đi thăm, chúc Tết nhà người thân ngày Tết ở Quảng Nam. Ảnh: Thanh Hải

Tuy chỉ là 2 chiếc nem và 1 chai rượu gạo, nhưng gọi là sính lễ, lễ vật là bởi nó là vật đại diện cho một lễ nghi nghiêm trang khi đi thăm viếng ngày Tết. Sau khi xin phép gia chủ, chai rượu và 2 chiếc nem của người đi thăm Tết được đặt lên bàn thờ, thắp hương để thỉnh viếng tổ tiên, ông bà.

Sau nghi thức trang nghiêm ấy, gia chủ mời khách bằng ly rượu gạo và những chiếc nem tương tự để thù tiếp nhau.

Giữa sân nhà, cha tôi trồng cây mai Xuân - đó là truyền thống vùng quê Quảng Nam, như là cột mốc để đếm thời gian, vừa là “không gian văn hóa”, nuôi dưỡng hồn quê. Cạnh đó, ông nhen thêm cây hoa hòe có 2 màu vàng - đỏ, nở hoa suốt bốn mùa. Mục đích chính là để cắt vài nhành cắm bình mỗi dịp cúng kính. Và cũng ngay cạnh gốc mai già đó, mẹ tôi trồng cây lá liễu. Đây là loại lá có 2 màu xanh - đỏ, người dân quê tôi dùng để gói nem ngày Tết, như lá vông đồng, ổi ở những vùng quê khác. Màu đỏ của lá liễu sẽ cho chiếc nem có màu thắm tươi, ngon mắt.

Nem Quảng Nam khác với nem Huế, không giống giống nem Bình Định, Khánh Hòa. Nem ở Quảng Nam chỉ làm từ thịt heo (lợn) nạc. Thịt được thái mỏng, ướp kỹ với tiêu, tỏi, ớt, dầu phụng và muối. Sau đó, cuộn lót bằng lá liễu, rồi mới gói vuông vức bằng 2 lớp lá chuối. Nem được cột 2 chiếc rồi xâu thành chùm 10 cái, treo trên gác bếp lửa. Sau 2 ngày đêm, nem đã có thể dùng được.

Những chùm nem treo giàn bếp không chỉ sính lễ mà còn là món khoái khẩu của trẻ con, là mồi nhậu của các ông bố.

Chiếc nem vuông vức của người Quảng Nam vừa đẹp mắt lại rất ngon. Ảnh: Thanh Hải

Trên giàn bếp củi ấy còn có những đòn thịt heo muối, bó bằng lá chuối, cột chặt như những đòn bánh tét, là cách để người quê trữ thịt, ăn dần cả tháng khi chưa có điện, tủ lạnh như bây giờ. Trong chạn gỗ thưa, còn vô thiên lủng các món ăn trữ cho cả ngày đông lẫn dịp Tết. Ngoài thịt dầm nước mắm, thịt xíu ăn được vài ba ngày lạnh, còn có nhiều hũ đất muối cải bẹ, dưa gang, bẹ môn. Những hũ mắm đu đủ, tré, trưởi…. Các loại quả cũng xắt khô, bỏ hũ sành để ăn dần quanh năm.

Món quê dân dã, nhưng tình quê luôn đong đầy, trong sáng. Vì vậy, khi thù tiếp nhau, hay đi quà, lễ vật ngày Tết rất thoải mái. Thậm chí thành lệ. Nếu không đi thăm, chúc Tết nhau, nếu không có lễ quà, đôi khi còn bị người thân buồn, trông chờ, trách khéo...

Bây giờ, nhiều gia đình ở Quảng Nam vẫn còn gói nem ngày Tết. Nhưng không còn treo trên cổ chai rượu để làm sính lễ, quà Tết như ngày xưa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn