MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vỉa hè đường Tạ Quang Bửu bị lấn chiếm, người dân chỉ còn nước “xuống đường”. Ảnh: CTV

Sao không cán bộ nào bị xử lý?

Tiến Nguyễn LDO | 16/12/2017 06:26
Tham gia chất vấn tại kỳ họp thứ 5 HĐND TP.Hà Nội khóa XV, nhiệm kỳ 2011 - 2016, liên quan đến vấn đề trật tự đường hè, nhiều đại biểu cho rằng, sau thời gian rầm rộ ra quân dẹp loạn vỉa hè, các tuyến đường Hà Nội bị tái lấn chiếm trở lại, thậm chí còn ngang nhiên hơn trước đây. Trả lời chất vấn tại phiên họp, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương - Giám đốc CA TP.Hà Nội - lại khẳng định: “Đến nay, Ban Chỉ đạo 197 chưa nhận được kết quả xử lý đối với cán bộ nào liên quan đến lĩnh vực này”.

Xử lý vi phạm lòng đường, vỉa hè còn hạn chế

Trước thực trạng lòng đường, hè phố Hà Nội bị lấn chiếm làm nơi trông giữ phương tiện, kinh doanh buôn bán, tại kỳ họp thứ 5 HĐND TP.Hà Nội khóa XV, đại biểu Bùi Huyền Mai (Đống Đa) thẳng thắn đặt câu hỏi: “Tình trạng vi phạm trật tự đô thị diễn ra công khai trên các tuyến đường, đặc biệt là các tuyến đường nội đô trên địa bàn thành phố. Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung từng nói, trong số 180 quán bia thì 150 quán có hình bóng sắc phục đứng sau bảo kê. Vậy, vai trò của các lực lượng chức năng trong việc đảm bảo trật tự đô thị đến đâu, trách nhiệm của họ khi để xảy ra sai phạm và công tác xử lý sai phạm (?!).

Trả lời về vấn đề này, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương - Giám đốc Công an TP.Hà Nội - cho biết: Gần 9 tháng triển khai Kế hoạch 01 của Ban Chỉ đạo 197, công tác đảm bảo TTATGT, lòng đường, hè phố đã có chuyển biến tích cực. Nhưng nhìn chung, việc thực hiện nhiệm vụ vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu, kế hoạch đề ra. Với tư cách Giám đốc Công an thành phố, tôi đã giao việc cho các quận, huyện kiểm tra các vụ việc báo chí nêu. Có văn bản để UBND quận, huyện khắc phục những vấn đề mà báo chí phản ánh. Tuy nhiên việc xử lý vẫn còn hạn chế.

Liên quan đến việc xử lý cán bộ, có trách nhiệm trong công tác đảm bảo trật tự đô thị (TTĐT), ông Khương cho biết: Đến nay, Ban Chỉ đạo 197 chưa nhận được kết quả xử lý đối với cán bộ nào liên quan đến lĩnh vực này. Chúng tôi chỉ có kiến nghị, vì đây là tổ chức của thành phố, tổ chức kiêm nhiệm, khi phát hiện vấn đề liên quan đến địa bàn nào, trách nhiệm thuộc về chủ tịch UBND quận, huyện, phường, xã và các lực lượng chức năng trên địa bàn đó. Còn đối với CATP, qua kiểm tra, phát hiện trường hợp ở quận Hoàng Mai liên quan đến quán kinh doanh vi phạm lòng đường, hè phố. Tuy nhiên, đây là nhà cán bộ công an cho thuê để kinh doanh chứ không trực tiếp làm. Chúng tôi yêu cầu rút kinh nghiệm với doanh nghiệp thuê và kiên quyết nếu tiếp tục vi phạm sẽ xóa hợp đồng không cho thuê nữa.

Nói như vậy cũng có nghĩa, Ban Chỉ đạo 197 chưa nhận được kết quả xử lý đối với cán bộ nào liên quan đến công tác đảm bảo trật tự đô thị, mặc dù trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra sai phạm đã được quy định rõ (?!).

Ai chịu trách nhiệm?

Không quá khi nói rằng, việc lấn chiếm lòng đường, hè phố làm nơi đậu đỗ phương tiện, buôn bán đã trở thành “căn bệnh nan y” tại Hà Nội. Trên khắp các tuyến phố, chúng ta dễ dàng bắt gặp cảnh xe máy, xe đạp để kín mít phần vỉa hè, còn người đi bộ thì buộc lòng phải “xuống đường”. Theo bà Nguyễn Thị Vinh (70 tuổi, ở quận Ba Đình, Hà Nội), vỉa hè dành cho người đi bộ nhưng hiện nay nó không còn thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình, thay vào đó bị một số người cố tình chiếm dụng sử dụng vào mục đích khác. Nhưng ngặt một nỗi các cơ quan chức năng gần như biết hết mà không xử lý dứt điểm, đôi khi còn làm màu, nói là kiểm tra, xử lý nhưng thực chất là đi cho có. Vỉa hè vẫn bị lấn chiếm, còn người dân “xuống đường” vẫn hoàn “xuống đường”…

Theo bà Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII - mục tiêu của việc thường xuyên kiểm tra TTĐT thì đã rõ. Tuy nhiên hiện nay còn rất nhiều các tuyến phố để xảy ra vi phạm trong quản lý TTĐT. Do vậy cần tăng cường kiểm tra ngày đêm, có sự phối hợp chặt chẽ với từng tổ dân phố, làm dứt điểm, công khai, minh bạch, nếu lập lại được TTĐT thì chắc chắn Hà Nội sẽ văn minh hơn nhiều.

Bà An cũng cho rằng, để làm được điều đó trách nhiệm trước tiên thuộc lực lượng công an và chính quyền địa phương, trong đó có lực lượng trật tự đô thị, các tổ trưởng tổ dân phố, những người được giao trách nhiệm quản lý địa bàn, có thể nắm địa bàn trong lòng bàn tay, chỗ nào có vi phạm thì đã biết rồi. Ở đây chúng ta phải quy trách nhiệm, rõ ràng việc quy trách nhiệm là rất đúng, mà người trực tiếp phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra sai phạm về TTĐT trước hết là Chủ tịch UBND phường và Trưởng công an phường. Nếu không hoàn thành nhiệm vụ có thể thay thế để người khác kiên quyết hơn, hiệu quả hơn khi thực hiện nhiệm vụ này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn