MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Anh Nghiêm Văn Bình chuẩn bị xe sẵn sàng chạy luân phiên dịp Tết. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

"Sấp ngửa" chạy xe ghép, tài xế nhận không hết khách dịp Tết 2024

LÊ HOA LDO | 07/02/2024 07:00

Thay vì chịu cảnh nhồi nhét, đồ đạc lỉnh kỉnh, chen chúc đi xe khách, dịch vụ xe ghép, xe tiện chuyến được nhiều gia đình ưu tiên lựa chọn để về quê. Bởi vậy, vài năm gần đây cứ vào dịp Tết Nguyên đán, các tài xế lại "sấp ngửa" chạy hết công suất cũng không kịp đón trả khách.

Chồng chạy xe, vợ trực điện thoại

So với các loại hình vận tải hành khách truyền thống, dịch vụ xe ghép, xe tiện chuyến có nhiều lợi ích về giá cả và sự tiện lợi. Chị Bùi Thị Huyền (42 tuổi, quê ở Thanh Hoá) so sánh: "Nhà tôi có 5 người, giá vé xe khách từ Hà Nội về Thanh Hoá 250.000 đồng/người/lượt. Tính ra đi xe khách mỗi lần về quê cả nhà cũng tốn hơn triệu bạc. Chưa kể tiền đi xe bus nếu tiện, không thì phải bắt taxi, xe ôm về nhà, có khi đội chi phí lên cả trăm nghìn. Trong khi đó, tôi đi ghép ngày thường cũng chỉ 1,2 - 1,5 triệu đồng bao xe, tính ra vẫn rẻ hơn".

Chị Huyền kể, ngày Tết giá tăng cao hơn ngày thường, chị đã chi 1,8 triệu đồng từ Hà Nội về Nông Cống, Thanh Hoá nhưng được đón - trả tận nhà. Ngoài ra, chị Huyền còn được thoải mái mang đồ đạc về quê.

Tuy nhiên, ngày Tết, để đặt được xe, chị phải gọi điện hẹn lịch cả nửa tháng trước đó. Những ngày này, tài xế xe ghép nào hầu như cũng kín lịch.

Trước đây, anh La Văn Duy - một lái xe ghép ở huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam - từng là lái xe hợp đồng cho một công ty vận tải. Năm 2021, anh Duy vay mượn để mua được chiếc xe ô tô 5 chỗ. Từ đó, anh chuyển hẳn sang chạy xe ghép, xe tiện chuyến Hà Nam - Hà Nội và một số tỉnh lân cận.

Anh La Văn Duy - lái xe ghép chuyên tuyến Hà Nội - Hà Nam tranh thủ chạy liên tục những ngày Tết để tăng thu nhập. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Theo anh Duy, ngày thường thì thưa khách nhưng dịp Tết, mọi gia đình đều có nhu cầu đặt xe riêng cho tiện di chuyển nên năm nào dịp này cũng “cháy” xe.

"Một mình không kịp trở tay, vợ tôi phải hỗ trợ “trực” trên các hội xe, chốt điểm đón, trả khách và chốt giá. Tôi chỉ việc chạy mà nhận không hết khách. Cũng may, dịp Tết hầu hết các chuyến tôi đều đón được khách cả lượt đi, lượt về, bù xăng xe quay đầu, trừ chi phí, có ngày tôi bỏ túi cũng được 3 - 4 triệu đồng/ngày" - nam tài xế chia sẻ.

Tuy có mức thu nhập khá nhưng bù lại, công việc này khiến anh Duy phải bỏ lỡ các cuộc hẹn quây quần bên gia đình, bạn bè. Hơn nữa, mấy ngày Tết các cửa hàng ăn uống đóng cửa hết, rất khó để tìm được quán ăn dọc đường. Các tài xế xe ghép như anh Duy phải luôn phải chuẩn bị đồ ăn sẵn, nước uống, bánh sữa trên xe, tranh thủ những lúc chờ khách, ăn xong lại chạy tiếp.

Thu nhập cả chục triệu đồng mỗi ngày

Với kinh nghiệm hơn 6 năm chạy xe ghép tuyến Bắc Giang - Bắc Ninh - Hà Nội và ngược lại, anh Nghiêm Văn Bình (quê ở xã Đoan Bái, Hiệp Hoà, Bắc Giang) đã bảo dưỡng lại 3 chiếc xe dịch vụ của gia đình cách đây cả tháng, sẵn sàng chạy luân phiên dịp Tết để tranh thủ gia tăng thu nhập.

Anh Bình cho biết: “Dịp này nhu cầu đi lại về quê, du xuân, chúc Tết của người dân ở các địa phương tăng mạnh, 3 lái xe nhà tôi thay nhau chạy liên tục, đón khách kín cả lượt đi, lượt về mà nhiều khi tôi đành “bỏ rơi” khách vì không kịp vòng lại đón. Những người chạy xe ghép như chúng tôi, ngày thường gần như không có khách, tranh thủ tháng Tết có khi bù thu nhập cả năm. Trừ chi phí xăng dầu, ăn uống, hao mòn…, 3 xe nhà tôi cũng cho thu nhập trên chục triệu mỗi ngày".

Nếu như trước đây, các xe chạy độc lập thì hiện nay các anh em tài xế cùng tuyến đã thành lập nhóm, hội xe ghép xuyên tỉnh để tận dụng tối đa lượng khách dịp Tết Nguyên đán 2023.

Anh Phạm Quyền, một quản trị viên hội xe ghép, xe tiện chuyến Bắc Giang – Bắc Ninh – Hà Nội, cho biết thêm: “Nhóm của tôi có 27 anh em tài xế, luân phiên chạy. Các xe cùng nhận khách và dồn khách cho nhau trong cùng nhóm, khách không phải chờ lâu, quan trọng là cùng gây dựng chất lượng, uy tín để phục vụ lâu dài".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn